Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương, phần 1: 1930 – 1945

PHẦN MỞ ĐẦU

BÌNH DƯƠNG -VÙNG ĐấT

CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

 

Tỉnh Bình Dương được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 06-11-1996, trên cơ sở chia tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh: Bình Dương, Bình Phước.

Là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên: 2.683,47 km2. Phía Bắc Bình Dương giáp tỉnh Bình Phước, phía đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh. Khi mới thành lập, tỉnh Bình Dương có 3 huyện: Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An và Thị xã Thủ Dầu Một, với 77 xã, phường, thị trấn. Cuối tháng 8-1999, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh thành lập thêm 3 huyện Dĩ An, Dầu Tiếng, Phú Giáo và lập thêm xã Định Thành thuộc huyện Dầu Tiếng, xã Bình An thuộc huyện Dĩ An. Như vậy, hiện nay toàn tỉnh có 1 thị xã, 6 huyện, với 66 xã, 5 phường, 8 thị trấn. Trung tâm của tỉnh Bình Dương đặt tại Thị xã Thủ Dầu Một, cách thành phố Hồ Chí Minh 30km đường bộ về hướng Nam. Dân số toàn tỉnh: 810,2 ngàn người (1). Ngoài người Kinh, Bình Dương có khoảng 2000 người dân tộc ít người và gần 20.000 người Việt gốc Hoa.

Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; là tỉnh bình nguyên có địa hình lượn sóng yếu từ cao xuống thấp dần từ 10m đến 15m so với mặt biển. Vị trí trung tâm của tỉnh ở vào tọa độ địa dư từ 10o-50’-27’’ đến 11o-24’-32’’ vĩ độ bắc và từ 106o-20’ đến 106o25’ kinh độ đông.

Vùng đất Bình Dương tương đối bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Nhìn tổng quát, Bình Dương có nhiều vùng địa hình khác nhau: vùng địa hình núi thấp có lượn sóng yếu, vùng có địa hình bằng phẳng, vùng thung lũng bãi bồi … Có một số núi thấp, như núi Châu Thới (huyện Dĩ An), núi Cậu (còn gọi là núi Lấp Vò) ở huyện Dầu Tiếng… và một số đồi thấp.

Các quy luật tự nhiên tác động lên vùng đất này tạo nên nhiều dạng địa mạo khác nhau: có vùng bị bào mòn, có vùng tích tụ (do có sự lắng đọng của các vật liệu xâm thực theo dòng chảy), có vùng vừa bị bào mòn, vừa tích tụ và lắng đọng. Nguyên nhân chủ yếu là do nước mưa và dòng chảy tác động trên mặt đất, cộng với sự tác động của sức gió, nhiệt độ, khí hậu, sự sạt lở và sụp trượt vì trọng lực của nền địa chất. Các sự tác động này diễn ra lâu dài hàng triệu năm.

Đất đai Bình Dương rất đa dạng và phong phú về chủng loại: đất xám trên phù sa cổ, có diện tích 200.000 ha phân bố trên các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Thuận An, thị xã Thủ Dầu Một. Loại đất này phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn trái; đất nâu vàng trên phù sa cổ, có khoảng 35.206 ha nằm trên các vùng đồi thấp thoải xuống, thuộc các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, khu vực thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An và một ít chạy dọc quốc lộ 13. Đất này có thể trồng rau màu, các loại cây ăn trái chịu được hạn như mít, điều; đất phù sa Glây (đất dốc tụ), chủ yếu là đất dốc tụ trên phù sa cổ, nằm ở phía bắc huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Thuận An, Dĩ An; đất thấp mùn Glây có khoảng 7.900 ha nằm rải rác tại những vùng trũng ven sông rạch, suối. Đất này có chua phèn, tính axít vì chất sunphát sắt và alumin của chúng. Loại đất này sau khi được cải tạo có thể trồng lúa, rau và cây ăn trái, v.v…

Khí hậu ở Bình Dương cũng như chế độ khí hậu của khu vực miền Đông Nam Bộ: nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm khá cao. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa ổn định, trong năm phân chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến cuối tháng 10 dương lịch. Vào những tháng đầu mùa mưa, thường xuất hiện những cơn mưa rào lớn, rồi sau đó dứt hẳn. Những tháng 7,8,9, thường là những tháng mưa dầm. Có những trận mưa dầm kéo dài 1-2 ngày đêm liên tục. Đặc biệt ở Bình Dương hầu như không có bão, mà chỉ bị ảnh hương những cơn bão gần. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bình Dương từ 26oC-27oC. Nhiệt độ cao nhất có lúc lên tới 39,3oC và thấp nhất từ 16oC-17oC (ban đêm) và 18oC vào sáng sớm. Vào mùa nắng, độ ẩm trung bình hàng năm từ 76%-80%, cao nhất là 86% (vào tháng 9) và thấp nhất là 66% (vào tháng 2). Lượng nước mưa trung bình hàng năm từ 1.800-2.000mm. Tại ngã tư Sở Sao của Bình Dương đo được bình quân trong năm lên đến 2.113,3mm.

Chế độ thủy văn của các con sông chảy qua tỉnh và trong tỉnh Bình Dương thay đổi theo mùa: mùa mưa nước lớn từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch) và mùa khô (mùa kiệt) từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, tương ứng với 2 mùa mưa nắng. Bình Dương có 3 con sông lớn, nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ khác.

Sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở miền Đông Nam Bộ, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) dài 635 km nhưng chỉ chảy qua địa phận Bình Dương ở Tân Uyên. Sông Đồng Nai có giá trị lớn về cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp, giao thông vận tải đường thủy và cung cấp thủy sản cho nhân dân.

Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt nguồn từ vùng đồi cao huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Sông Sài Gòn có nhiều chi lưu, phụ lưu, rạch, ngòi và suối. Sông Sài Gòn chảy qua Bình Dương về phía Tây, đoạn từ Lái Thiêu lên tới Dầu Tiếng dài 143 km, độ dốc nhỏ nên thuận lợi về giao thông vận tải, về sản xuất nông nghiệp, cung cấp thủy sản. Ở thượng lưu, sông hẹp (20m) uốn khúc quanh co, từ Dầu Tiếng được mở rộng dần đến thị xã Thủ Dầu Một (200m). Sông Thị Tính là phụ lưu của sông Sài Gòn bắt nguồn tự đồi Cam xe huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước) chảy qua Bến Cát, rồi lại đổ vào sông Sài Gòn ở đập Ông Cộ. Sông Sài Gòn, sông Thị Tính mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở Bến Cát, thị xã, Thuận An, cùng với những cánh đồng dọc sông Đồng Nai, tạo nên vùng lúa năng suất cao và những vườn cây ăn trái xanh tốt. Sông Sài Gòn có giá trị về kinh tế và về mặt quân sự. Trong hai cuộc kháng chiến ngoại xâm, sông Sài Gòn nổi tiếng về những chiến công của quân và dân ta đánh chìm nhiều tàu chiến của quân Pháp và quân Mỹ xâm lược.

Sông Bé dài 360 km, bắt nguồn từ các sông Đắc RơLáp, Đắc Giun, Đắc Huýt thuộc vùng núi tỉnh Đắc Lắc hợp thành từ độ cao 1000 mét. Ở phần hạ lưu, đoạn chảy vào đất Bình Dương dài 80 km. Sông Bé không thuận tiện cho việc giao thông đường thủy do có bờ dốc đứng, lòng sông nhiều đoạn có đá ngầm, lại có nhiều thác ghềnh, tàu thuyền không thể đi lại. Về mặt quân sự, Sông Bé vừa có mặt thuận lợi vừa có mặt khó khăn. Mùa khô, bộ đội hành quân cơ động qua sông tương đối thuận lợi, nhưng mùa mưa rất khó vượt sông, nhất là bộ đội chủ lực có mang vũ khí nặng. Tuy vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dòng Sông Bé đã trở thành chiến hào thiên nhiên góp phần ngăn chặn bớt đi mức độ càn quét, đánh phá của kẻ thù vào các căn cứ địa của ta.

Bình Dương là một tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Trong hệ thống đường bộ, nổi lên đường quốc lộ 13 – con đường chiến lược cực kỳ quan trọng xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của tỉnh từ phía nam lên phía bắc, qua tỉnh Bình Phước và nối Vương quốc Campuchia đến biên giới Thái Lan. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ-ngụy làm lại, mở rộng con đường này để phục vụ cho việc hành quân cơ động, sử dụng lực lượng, binh khí kỹ thuật hòng đàn áp phong trào cách mạng. Chúng đã dồn sức nhằm bảo vệ bằng được con đường này. Nhưng với cuộc chiến tranh thần kỳ của quân dân ta, đường 13 trở thành con đường đầy máu và nước mắt đối với quân Mỹ-ngụy.

Đường quốc lộ 14, từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng đi Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) xuyên suốt vùng Tây Nguyên bao la, là con đường chiến lược quan trọng cả trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có liên tỉnh lộ 1A từ Thủ Dầu Một đi Phước Long (Bình Phước); Liên tỉnh lộ 13 từ Chơn Thành đi Đồng Phú, Dầu Tiếng; liên tỉnh lộ 16 từ Tân Uyên đi Phước Vĩnh; lộ 14 từ Bến Cát đi Dầu Tiếng … và hệ thống đường nối thị xã với các thị trấn và điểm dân cư trong tỉnh.

Trong thời kỳ xâm lược nước ta, thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh dài 141 km phục vụ cho công cuộc khai thác, vơ vét tài nguyên rừng và cao su. Con đường này đã bị ta phá trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Về hệ thống giao thông đường thủy, Bình Dương nằm giữa 3 con sông lớn, nhất là sông Sài Gòn. Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng và phong phú về nhiều chủng loài. Có những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng trong tỉnh có nhiều loại gỗ quý như: căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương … Rừng Bình Dương còn cung cấp nhiều loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cây thực phẩm và nhiều loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm.

Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, rừng Bình Dương có giá trị đặc biệt về mặt quân sự. Rừng là nơi xây dựng những căn cứ địa cách mạng, những chiến khu nổi tiếng như: chiến khu Đ, chiến khu Long Nguyên, chiến khu Thuận An Hòa … và nhiều căn cứ nổi tiếng khác gắn liền với những chiến công bảo vệ và giải phóng quê hương. Trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rừng Bình Dương đã che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng các lực lượng cách mạng. Các lực lượng vũ trang đã sống và chiến đấu trong rừng, lớn lên với rừng và từ bàn đạp đó tiến công đánh bại cả quân Pháp và Mỹ-ngụy. Rừng Bình Dương còn là nơi đặt các công binh xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh và khu. Rừng còn là nơi lý tưởng phát triển chiến tranh du kích, đồng thời cũng là địa bàn hoạt động tác chiến thuận lợi của bộ đội chủ lực trên những vùng địa hình trung bình. Điều đó đã được chứng minh rất rõ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bình Dương vừa là địa bàn có phong trào chiến tranh du kích phát triển cao vừa là chiến trường rất thuận lợi cho tác chiến tập trung quy mô của các binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược tiêu diệt lớn quân địch. Rừng Bình Dương ngoài những loại dây, củ lấy bột như củ nần, cù mài, củ chụp, nhiều loại rau rừng như rau tàu bay, lá bươm, lá bép và nhiều loại trái cây như trái ươi, trái dâu là nguồn lương thực quan trọng đã từng góp phần nuôi sống lực lượng cách mạng trong những năm tháng gian khổ ác liệt nhất. Những vườn cây trái đặc sản ở vùng Lái Thiêu, Thuận An với những kênh rạch chằng chịt cũng là một loại rừng quan trọng trong tác chiến du kích và che giấu lực lượng cách mạng.

Hiện nay, rừng Bình Dương đã bị thu hẹp khá nhiều do bị bom đạn, chất độc hóa học của giặc Mỹ tàn phá trong chiến tranh. Trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt, Mỹ-ngụy đã ủi phá rừng, bứng hết cây cối nhằm tạo thành những “vùng trắng”, đẩy lực lượng cách mạng ra xa căn cứ càng làm cho rừng thêm cạn kiệt. Mặt khác, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc khai thác rừng bừa bãi cũng làm cho rừng bị thu hẹp.

Cùng với những giá trị quý giá về tài nguyên rừng, Bình Dương còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi chứa đựng nhiều loại khoáng sản phong phú tiềm ẩn dưới lòng đất. Đó chính là cái nôi để các ngành nghề truyền thống ở Bình Dương sớm hình thành như gốm sứ, điêu khắc, mộc, sơn mài … Bình Dương có nhiều đất cao lanh, đất sét trắng, đất sét màu, sạn trắng, đá xanh, đá ong nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở các huyện: Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, thị xã Thủ Dầu Một. Các nhà chuyên môn đã phát hiện ở vùng Đất Cuốc (huyện Tân Uyên) có một mỏ cao lanh lớn phân bố trên một phạm vi hơn 1km2, với trữ lượng lớn. Đất cao lanh ở đây được đánh giá là loại đất tốt, có thể sử dụng trong nghề gốm và làm các chất phụ gia cho việc sản xuất một số sản phẩm công nghiệp…

Qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất Bình Dương ngày nay đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau trong thời kỳ chiến tranh, nhằm đáp ứng việc chỉ đạo chiến lược từng giai đoạn lịch sử. Vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương nhiều lần sáp nhập, tách ra với những tên gọi khác nhau, nhưng vẫn là một chiến trường thống nhất trên hướng chiến lược quan trọng ở phía bắc Sài Gòn.

Dưới triều nhà Nguyễn, vùng đất Bình Dương thuộc tổng Bình An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Gia Long, tổng Bình An được nâng lên thành huyện Bình An, có hai tổng là An Thủy và Phước Chánh, bao gồm các vùng đất: Bến Cát, Dầu Tiếng, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Lái Thiêu và một phần đất của huyện Ngãi An (Thủ Đức ngày nay); huyện lỵ đặt tại Phú Cường.

Đến năm thứ hai đời vua Minh Mạng, huyện Bình An phân ra làm 4 tổng, gồm: Bình Chánh Thượng, Bình Chánh Hạ, Bình Chánh Trung và Bình Chánh Tây. Đời vua Minh Mạng thứ 18, lại trích tổng An Thủy và Bình Chánh Hạ đặt thành huyện Ngãi An (huyện Thủ Đức ngày nay). Còn lại 3 tổng cùng có tên là Bình Chánh thì đổi thành Bình Chánh, Bình Điền và Bình Thổ. Tổng Thủ An Lợi vẫn giữ như cũ và lấy thêm 10 sách man (10 làng của người thiểu số) gộp vào lập ra 2 tổng là: Cửu An và Quảng Lợi (1)

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: “Từ năm 1808 đến năm 1837, huyện Bình An chia làm 10 tổng là: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy. Từ năm 1837 về sau, 4 tổng bắt đầu từ chữ An được tách ra thành lập huyện Ngãi An”(2)

Tổng Bình Điền nêu trên là một tổng mới của huyện Bình An. Tổng mới này lập ra để thay thế tổng Bình Chánh Trung, trước đó có địa bàn gần như toàn bộ vị trí của thị xã Thủ Dầu Một hiện nay.

Sau khi chiếm  được Nam Kỳ, thực dân Pháp cải tổ các đơn vị hành chính cho phù hợp với chế độ thuộc địa. “Ngày 5-1-1876, đô đốc Đuyperê (Duperré), tổng lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kỳ, ra nghị định phân chia toàn bộ Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (Circonscription administrative) là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính lớn lại được chia nhỏ thành nhiều tiểu khu hành chính (Arrondissement administratif). Trong đó, khu vực Sài Gòn gồm 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định (ngoại vi Sài Gòn)” (1). Đến ngày 20-12-1899, đổi tiểu khu (Arrondissment) thành tỉnh (Province), tiểu khu Thủ Dầu Một lúc đó thành tỉnh Thủ Dầu Một.

Tỉnh Thủ Dầu Một trong thời gian này có 12 tổng và 8 làng của người Việt ở xen kẽ trong các tổng của người dân tộc ít người. Có 6 tổng hoàn toàn của người Việt: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, Bình Thạnh Thượng (khu vực Dầu Tiếng). Còn 6 tổng khác đa số là dân tộc ít người: Cửu An, Lộc Ninh, Minh Ngãi (An Lộc), Phước Lễ, Quảng Lợi, Thạnh An và 8 làng của người Việt nằm xen kẽ trong các tổng người dân tộc ít người là Mỹ Thạnh, Tân Khai, Tân Lập, Tân Quan, Tân Phú, Tân Thanh, Thanh Phú, Thanh Sơn. Tổ chức hành chính này tồn tại cho đến khi quân Pháp chịu thua ở Việt Nam phải ký hiệp định Giơnevơ năm 1954. Đến khi Mỹ-ngụy thay chân Pháp, theo sắc lệnh số 143/NV ngày 22-10-1956, chính quyền Sài Gòn chia Thủ Dầu Một ra thành hai tỉnh Bình Dương, Bình Long và một số xã nhập vào tỉnh Phước Long. Năm 1959, địch cắt một phần đất của tỉnh Biên Hòa và Bình Dương thành lập tỉnh Phước Thành, nhưng đến năm 1965, chúng giải thể tỉnh này.Về phía cách mạng, từ năm 1945-1975 địa giới hành chính của Thủ Dầu Một (Bình Dương) có những lần thay đổi như sau:

– Tháng 5-1951, do yêu cầu thống nhất chỉ đạo chiến trường, tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên.

– Tháng 1-1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định tách tỉnh Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Thủ Dầu Một lúc đó gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và các đồn điền cao su: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh với tổng số 65 xã và hơn 30 làng công nhân cao su

– Tháng 9 năm 1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên lần thứ hai.

– Tháng 6-1961, Xứ ủy lại tách Thủ Biên thành 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và thành lập thêm 3 tỉnh mới: Phước Thành, Bình Long, Phước Long theo địa bàn hành chính của ngụy quyền Sài Gòn. Tỉnh Thủ Dầu Một bấy giờ gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng.

– Tháng 10-1967, Trung ương Cục bố trí lại chiến trường, thành lập 5 phân khu thành 5 mũi tiến công vào Sài Gòn và Phân khu 6 nội đô Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Thủ Dầu Một lúc bấy giờ thuộc phân khu 5 gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 (Bù Cháp, Lý Lịch), Châu Thành, Lái Thiêu, Bắc Thủ Đức, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một. (Bến Cát và Dầu Tiếng thuộc phân khu I).

– Tháng 5-1971, Phân khu 5 giải thể rồi thành lập phân khu Thủ Biên. Thực hiện chỉ thị 08/CT ngày 30-8-1972 của Thường vụ Trung ương cục, Khu ủy miền Đông được thành lập lại, giải thể các phân khu, thành lập lại các tỉnh. Tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập vào tháng 10-1972.

– Tháng 10-1973, Trung ương Cục quyết định tách các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 của Thủ Dầu Một (gồm 2 xã Bù Cháp và Lý Lịch); các xã phía nam và đông nam của Phước Long; Định Quán, Độc Lập của Biên Hòa để thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú. Đến cuối năm 1974, Phú Giáo và Tân Uyên lại trả về Thủ Dầu Một. Như vậy, đến đầu năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một gồm các huyện thị: Bến Cát (nam, bắc Bến Cát), Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên, Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng và thị xã Thủ Dầu Một.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội-chính trị-quốc phòng … ngày 02-7-1976, Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp (thuộc huyện Thủ Đức) thành tỉnh Sông Bé, chia thành 8 huyện (Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An) và thị xã (Thủ Dầu Một) gồm 141 xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một. Đến ngày 06-11-1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương như hiện nay.

Là địa bàn chuyển tiếp từ cao nguyên, đại bộ phận là địa hình trung bình với những cánh rừng bạt ngàn kéo dài từ bắc xuống nam, có nhiều đường giao thông quan trọng, là vị trí án ngữ sát nách Sài Gòn, là bàn đạp tiến công vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy từ hướng bắc; với tính chất của địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng đó, Bình Dương là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong 21 năm đánh Mỹ.

Trong thời kỳ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, cả Pháp và Mỹ, lúc nào cũng tập trung trên địa bàn Bình Dương một lực lượng quân sự lớn với những đơn vị thiện chiến, sử dụng nhiều biện pháp chiến lược, thủ đọan quân sự tàn bạo cùng những âm mưu thâm độc về chính trị và kinh tế… Bình Dương là nơi Mỹ dùng B.52 ném bom rải thảm đầu tiên trên chiến trường miền Nam và Đông Dương; là nơi quân Mỹ mở cuộc hành quân chiến đấu đầu tiên khi đặt chân lên đất miền Nam; là một trong những nơi bị chất độc hóa học và bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề nhất; là một trong những nơi chúng tiến hành “bình định” khốc liệt nhất …

Tất cả sự dồn sức về mọi mặt của kẻ thù chứng tỏ Bình Dương thực sự là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của chúng. Điều này cũng lý giải vì sao cả Pháp và Mỹ trong quá trình xâm lược vùng đất này đều tổ chức bộ máy chính quyền của chúng như một tổ chức quân sự, đứng đầu tổ chức đó là sĩ quan quân đội.

Ngay sau khi đánh chiếm Thủ Dầu Một, quân Pháp đã nhận thấy vị trí quan trọng của vùng đất này đối với Sài Gòn và chúng đã xây dựng những đồn binh ở khu vực Phú Cường, tiếp sau đó lập ra một thành lính tập (thành Săng Đá) để huấn luyện cho binh lính… Một đại úy Pháp có chân trong đội quân đánh chiếm đồn Bình An trên ngọn đồi Phú Cường (năm 1861), đã nhận định: Đồn này về mặt quân sự phải bảo vệ được toàn bộ sườn phải của tỉnh Gia Định, kiểm soát thương lưu sông Sài Gòn và với vị trí tiền tiêu có thể cấu thành một đầu cầu thực sự để quan sát Biên Hòa và toàn bộ các huyện của tỉnh này. Về mặt kinh tế, ở đây có chợ Phú Cường là nơi buôn bán sầm  uất, nhiều xe cộ, ghe thuyền quy tụ về đây mua bán, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt chợ Thủ Dầu Một (Chợ Phú Cường) là một trong những chợ lớn nhất về buôn bán gỗ.

Như vậy, hai yếu tố cơ bản là lợi thế về địa bàn chiến lược và có cơ sở kinh tế, đã thúc đẩy thực dân Pháp xây dựng vùng đất này thành một vùng đất quân sự nhằm thực hiện những mưu đồ xâm lược lâu dài của chúng. Nhằm gấp rút thực hiện những ý đồ đó, ngay sau khi chiếm đóng vùng đất này, chúng đã xây dựng một số công trình như: nạo vét cảng, xây dựng 3 chiếc cầu cập bến lớn, một nhà tù lớn, một tòa án, nhiều trại lính, phục hồi, mở rộng khu chợ, v.v…

Từ việc đánh giá đúng đắn vị trí chiến lược một địa bàn, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả ta và địch đã có sự nỗ lực cao độ, Bình Dương trở thành một trong những nơi đối đầu quyết liệt nhất giữa bạo lực cách mạng và bạo lực phản cách mạng trên chiến trường miền Nam. Suốt hai thời kỳ kháng chiến, những địa danh: chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Nam Bến Cát, v.v., đã trở thành những vùng đất kiên cường, gan góc, gây cho địch nhiều nỗi kinh hoàng.

Quá trình tạo dựng, phát triển vùng đất Bình Dương hiện nay, đã trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau đổ mồ hôi và xương máu khai phá, bảo vệ vùng đất thân yêu của mình. Suốt quá trình lịch sử, vùng đất và con người Bình Dương đã quyện vào nhau, tác động lẫn nhau cùng tồn tại và phát triển.

Vùng đất Bình Dương ngày nay, thuở xa xưa là một vùng đất hoang vu, núi rừng rậm rạp. Qua các di chỉ khảo cổ được khai quật tại Vườn Dũ, Gò Đá, Cù Lao Rùa, Dốc Chùa (Tân Uyên), các nhà khảo cổ đã phát hiện từ thời kỳ đồ đá mới đến thời kỳ đồ đồng, vùng đất Bình Dương ngày nay đã từng là địa bàn sinh tụ của tộc người Anhđônêdiên cổ đại – tổ tiên của người Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Mơ nông ngày nay. Từ đó, các nhóm dân tộc bản địa: Stiêng, Mơ Nông, Châu Ro, Châu Mạ … từng bước được hình thành, quy tụ khai phá đất đai và sinh sống ở đây. Đến đầu thế kỷ XVII, trên vùng đất trù phú này dần dần xuất hiện thêm những lớp cư dân mới. Đó là những di dân người Việt từ các tỉnh phía Bắc thuộc tầng lớp nông dân và thợ thủ công nghèo khổ không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến hà khắc, buộc phải vào đây tìm đường sinh sống. Ngoài tầng lớp nông dân, còn có những người mắc tội “nghịch mạng với triều đình” bị lưu đày đến đây, có những người trốn tránh quân dịch, binh lính, đào giải ngũ … cũng lần lượt vào đây sinh sống. Đặc biệt, trong thời kỳ tình hình cuộc chiến tranh diễn ra khốc liệt giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến và nông dân ngày càng trở nên gay gắt thì tiến trình di cư của người Việt vào phương Nam, trong đó có Bình Dương diễn ra thường xuyên và với số lượng lớn hơn.

Trong quá trình di dân vào Đàng Trong, ngoài người Việt còn có người Hoa. Người Hoa di cư vào Đàng Trong bao gồm nhiều đợt và mỗi đợt ở vào những giai đoạn lịch sử khác nhau với những điều kiện xã hội khác nhau. Trong những giai đoạn ấy, đáng chú ý là giai đoạn từ năm 1678-1685, khi cuộc kháng chiến “Kháng Thanh phục Minh” ở Đài Loan tan vỡ (1683) thì các di thần nhà Minh kéo nhau ra đi đến Đàng Trong định cư lâu dài với khoảng 3000 binh lính của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Từ năm 1685 trở đi, khi cuộc chiến tranh kéo dài hơn 40 năm giữa hai họ Trịnh, Nguyễn đã chấm dứt với thế cân bằng; tình hình chính trị – xã hội đã tương đối ổn định, nền ngoại thương đang trên đà phát triển rất cao; cả một vùng lãnh thổ trải dài từ Thuận-Quảng đến Cà Mau rất cần nguồn lao động của con người đến từ mọi nơi. Cũng trong giai đoạn lịch sử này, người Hoa được phép vượt biển đi các nước buôn bán. Vì vậy, đông đảo người Hoa đã đến định cư ở Đàng Trong (trong đó có vùng đất Bình Dương) trong giai đoạn này. Điều đáng lưu ý là, thành phần di dân của người Hoa giai đoạn này bao gồm cả thương gia, trí thức nho giáo, các nhà sư … Mặt khác, đại đa số họ đến Đàng Trong bằng đường biển, điều đó có nghĩa là trong số họ đa số là những cư dân ở các vùng duyên hải phía Nam Trung Quốc. Như vậy, họ là những người có hiểu biết về biển, giỏi về giao thương trên biển, về kỹ thuật đóng thuyền, có kinh nghiệm trong việc giao lưu tiếp xúc … Đó là những điều kiện quan trọng để phát huy, tạo dựng một cuộc sống trên vùng đất mới. Một đợt di dân quan trọng khác của người Hoa vào miền Nam và Thủ Dầu Một đã diễn ra sau Hòa ước Thiên Tân (1885) được ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh. Đông đảo người Hoa đang sống ở Thủ Dầu Một là con cháu của những di dân trong đợt này.

Tiến trình nhập cư của người Việt diễn ra liên tục suốt thế kỷ thứ XVII. Để chính thức hóa một tình hình thực tế về dân cư và hành chính, mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam, xác lập cương thổ, xây dựng thiết chế hành chính lập Phủ Gia định gồm hai huyện Phước Long với dinh Trấn Biên (gồm toàn bộ miền Đông Nam Bộ ngày nay) và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn (gồm Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An … ngày nay). Đây là đơn vị hành chính được xác lập đầu tiên trên vùng đất mới khai khẩn của người Việt ở Phương Nam. Từ đó, vùng đất mới dần dần sinh sôi và phát triển sôi động. Cư dân ngày càng đông, đất hoang ngày càng bị đẩy lùi, nhường chỗ cho xóm làng, ruộng đồng trù phú, phố chợ sầm uất nhộn nhịp. Trên đất Bình Dương thời đó, những tên đất, tên làng đã sớm xuất hiện với dáng vóc riêng biệt. Lái Thiêu, chợ Búng, chợ Phú Cường, chợ Tân Ba (Đồng Ván), chợ Tân Uyên (Đồng Sứ), chợ Thị Tính, chợ Dầu Giếng (Dầu Tiếng) … là biểu hiện của sức sống mạnh mẽ và sinh động trong quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa trên vùng đất mới Bình Dương.

Đến thế kỷ XIX, cư dân người Việt ở vùng phía nam lên khai hoang, cư trú ở phía bắc ngày càng nhiều. Sự giao lưu về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc (cả những người dân tộc thiểu số) càng được đẩy mạnh.

Sau khi Quang Trung mất, triều Tây Sơn tan rã, một bộ phận quân Tây Sơn lánh đến vùng đất thuộc địa bàn Bình Dương hiện nay cùng cộng đồng cư dân tại chỗ làm ăn, sinh sống. Từ đó, tinh thần chiến đấu bất khuất và anh hùng của Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn được gieo mầm và sinh sôi mạnh mẽ trên mãnh đất này. Võ Tây Sơn – một phái võ nổi tiếng ở nước ta cũng từ đó ngày càng được truyền bá rộng rãi trong vùng.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng tiến hành khai thác vùng đất đỏ màu mỡ ở miền Đông Nam Bộ để trồng cao su. Phần lớn nông dân từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung theo lời dụ dỗ của bọn tư bản Pháp đã ký hợp đồng dài hạn làm cu ly cho chủ đồn điền trên vùng đất này. Dần dần những làng người Việt ngày thêm đông đúc ở những vùng mà trước đó còn là nơi hoang vắng. Từ đó, sự giao lưu, tiếp xúc giữa người Việt và đồng bào các dân tộc Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ … đã trở thành thường xuyên trong mối quan hệ gần gũi, cảm thông của những người lao động nghèo khổ. Ngoài số dân công tra (contrat) làm trong các đồn điền cao su ở phía bắc của tỉnh, tại phía nam, thực dân Pháp cũng xây dựng đềpô xe lửa tại Dĩ An. Số công nhân làm trong đềpô, phần lớn là người thuộc các xã xung quanh nhà máy. Cho nên, sự chia xẻ tình cảm và khó khăn giữa những người công nhân sống trong sự kìm kẹp hà khắc của bọn chủ và những người nông dân ở ngoài vừa là quan hệ làng xóm, vừa là quan hệ ruột thịt, đồng cảnh.

Trên vùng đất miền Đông Nam Bộ nói chung cũng như ở Bình Dương, dưới thời Mỹ-ngụy, việc bố trí dân cư được chúng coi là vấn đề chiến lược, nhằm tạo một cơ sở chính trị hạ tầng, làm hành lang bao vây các căn cứ kháng chiến của ta. Âm mưu đó của địch được thể hiện qua việc lừa phỉnh đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc rời bỏ quê hương đến định cư ở những vùng xung yếu theo ý đồ quân sự của chúng. Đại bộ phận đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc là người lao động, đến khi nhận ra âm mưu, thủ đoạn của địch, họ vẫn làm người dân lương thiện thờ chúa, ủng hộ kháng chiến.

Trên đây là những nét cơ bản về quá trình hình thành cộng đồng dân cư từ thời kỳ vùng đất Bình Dương bắt đầu được khai phá đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi.

Trong lịch sử phát triển xã hội, Bình Dương là vùng đất chủ yếu người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Nông dân chiếm trên 80% dân số. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, sống trên vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, công việc khai phá, trồng trọt của người dân Bình Dương được tiến hành tương đối thuận lợi. Qua quá trình lao động, ở Bình Dương tuy có sự phân hóa xã hội nhưng không đáng kể. Thành phần bần nông và trung nông nhỏ chiếm đa số; tầng lớp trên ở nông thôn chủ yếu là phú nông và một số rất ít địa chủ từ nơi khác đến, nhưng họ thường bị bọn tư bản thực dân, đế quốc chèn ép.

Vùng đất Bình Dương là nơi hội tụ cư dân từ bốn phương trong cả nước. Họ đều xuất thân từ những người lao động nghèo khổ cùng cảnh ngộ bị vua quan phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột nên họ rất dễ hòa hợp trong cộng đồng, cùng đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau chống chọi với thiên nhiên, chống chọi với kẻ thù của dân tộc để bảo vệ những thành quả lao động, bảo vệ phẩm giá con người.

Là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của tư bản Pháp, công nhân cao su và công nhân xe lửa bị đối xử, bóc lột hết sức nặng nề. Xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động bị bần cùng hóa, trở thành công nhân các đồn điền cao su hay đềpô xe lửa, song họ vẫn có quan hệ chặt chẽ với nông dân. Đó là cơ sở thuận lợi để thiết lập khối liên minh vững chắc với giai cấp nông dân. Trong suốt quá trình đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, cùng với nông dân và các tầng lớp lao động khác, công nhân Bình Dương, tiêu biểu là công nhân cao su, là lực lượng quan trọng góp sức vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Một trong những đặc điểm quan trọng ở Bình Dương là suốt quá trình kháng chiến, đội ngũ trí thức trong tỉnh tương đối đông đảo. Tuy đội ngũ trí thức này được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tuyệt đại đa số họ đều có chung một lý tưởng cao cả là đi theo cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Đội ngũ này rất nhạy bén trước những đổi thay của thời cuộc và có những đóng góp rất quan trọng cho kháng chiến ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có những người được Đảng, nhân dân tín nhiệm trao cho những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và chính quyền trong tỉnh …

Về tín ngưỡng, cũng như một số tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân người Việt ở Bình Dương phần đông được hình thành trên cơ sở các tập tục truyền thống của làng xã miền Trung và miền Bắc Việt Nam, mà trực tiếp là mô hình thôn làng Thuận – Quảng được các nhóm lưu dân người Việt mang theo vào vùng đất mới.

Cơ cấu tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội của cư dân ở Bình Dương là một tập hợp rất phong phú và nhiều vẻ về dạng thức được biểu hiện cụ thể như: lễ hội đình, lễ hội miếu, lễ hội võ, lễ hội tổ nghề, lễ hội chùa Phật, lễ hội thờ mẫu… của đồng bào miền Bắc, lễ hội của người Hoa …

Các dạng thức lễ hội, có nguồn gốc xuất phát từ các nhóm cư dân vùng ngoài đến quy tụ, sinh cơ lập nghiệp ở Bình Dương. Trong đó, có đông đảo các nhóm lưu dân mang theo vào vùng đất này nền văn hóa truyền thống làng xã và thiết chế văn hóa làng xã được định hình ngay trong quá trình khai hoang, lập làng xây dựng quê hương mới. Ngoài những đợt thực dân Pháp tuyển mộ dân từ miền Bắc vào làm công tra trong các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, đến năm 1954, lại có thêm dòng người do chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lừa gạt cưỡng bức từ Bắc vào Nam, tạo nên cộng đồng cư dân gốc ở miền Bắc càng đông đảo hơn. Do đó, trong cộng đồng dân cư ở Bình Dương, tuy cùng thuộc dạng thức tín ngưỡng – lễ hội của người Việt, song mức độ phổ biến có phần rộng hẹp khác nhau, đối tượng thờ tự cũng như các triết lý và tâm lý tín ngưỡng cùng nghi thức lễ hội rất đa dạng và phong phú.

Ở Bình Dương, hàng năm mỗi đình làng có nhiều ngày lễ như lễ Tiết tứ thời có ngày đưa thần (25-12), rước thần (30-12), Nguyên đán (ngày 1 tháng Giêng), Đoan ngọ (5-5), Khai sơn (7-7) … các lễ Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên mang tính chất tôn giáo. Các ngày lễ mang tính dân gian như lễ cúng miếu, cầu an tống phong. Nhưng quan trọng nhất là lễ Kỳ yên theo tập tục xưa được phân ra hai kỳ lễ: lễ Hạ điền và lễ Thượng điền.

Lễ Hạ điền được tổ chức vào đầu mùa mưa và thường ba năm mới có lệ lấy ngày hạ điền làm ngày lễ Kỳ yên. Lễ Thượng điền tổ chức vào cuối mùa mưa, gọi là Thượng điền chạp miễu. Nhưng ở Bình Dương thường không tổ chức lễ Thượng điền vào những ngày cuối năm, mà lại theo điển lễ “thu tế”, tổ chức lễ cầu bông (còn gọi là cầu hoa, kỳ huê) vào khoảng giữa tháng 8. Nói chung, các đình trong tỉnh Bình Dương mỗi năm đều có một lễ lớn và một lễ phụ.

Lễ Kỳ yên có nghĩa là cầu an, có nơi gọi là vía Thành hoàng, Vía ông. Có nơi chọn tháng giêng, tháng hai, giữ nghĩa “xuân kỳ”, nghĩa là mùa xuân làm lễ cầu thần. Hoặc tháng 8, tháng 9, giữ nghĩa “thu báo”, tức là mùa thu làm lễ báo đáp sau khi gặt hái xong xuôi. Hoặc dùng 3 tháng mùa đông, giữ nghĩa trọn năm đã thành công nên tế “chương” tế “lạp” tạ ơn thần (gọi là chạp miễu). Như vậy, lễ Kỳ yên, hay lễ cầu bông đều nhằm mục đích cầu “phong điều vũ thuận” mùa màng bội thu, quốc thái dân an, làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh.

Người Hoa ở Bình Dương thường có các tổ chức hội, đoàn nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, bảo đảm đời sống luôn ổn định. Do vậy, các lễ hội của họ có múa cù, múa hẫu, nhiều màu sắc rộn ràng, giữ được những bản sắc căn bản, không lẫn với dân tộc nào ở địa phương. Thông thường người Hoa thờ Phật và thờ tổ tiên, đồng thời còn lập ra các miếu thờ ông Bổn, các đền miếu thờ Quan thánh Đế Quân, các đền đình thờ các vị siêu nhiên có nguồn gốc của đạo Lão và đạo Phật, các cung miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trong các dạng thức tín ngưỡng lễ hội đã nói trên chỉ thu hút một vài thành phần trong cộng đồng người Hoa tại Bình Dương. Duy chỉ có việc tôn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu là nữ thần được tất cả cộng đồng người Hoa đều tôn thờ.

Cũng như phần đông các tỉnh Nam Bộ, ở Bình Dương có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Đạo Phật được truyền vào Bình Dương khoảng cuối thế kỷ XVI, khi những lớp cư dân đầu tiên từ phía Bắc đến định cư ở vùng đất này. Từ đó, đạo Phật phát triển rộng ra toàn tỉnh. Hầu hết những người theo đạo Phật đều có lòng yêu nước, tham gia kháng chiến, ủng hộ cách mạng.

Đạo Thiên chúa vào Bình Dương khoảng đầu thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo phương Tây theo thương nhân ngoại quốc đến vùng đất này. Khi thực dân Pháp hoàn tất việc tổ chức bộ máy cai trị trong cả nước, thì đạo Thiên Chúa phát triển tương đối nhanh. Từ năm 1954, hàng chục nghìn giáo dân từ các tỉnh miền Bắc bị địch dụ dỗ đưa vào định cư ở những vùng xung yếu ở Bình Dương với những âm mưu thâm độc. Tuyệt đại bộ phận đồng bào theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành tại chỗ và từ miền Bắc di cư vào đều là những người lao động, mang truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, một lòng kính chúa, yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc, không sa vào mưu đồ, cạm bẩy của kẻ thù để chống lại Tổ Quốc.

Đạo Cao Đài ra đời ở Nam Bộ từ năm 1926, được truyền vào Bình Dương với hai hệ phái là Tòa Thánh Tây Ninh và Chơn Ly Mỹ Tho. Trong hai cuộc kháng chiến, do một số tên phản động lũng đoạn nên một số bộ phận tín đồ bị lôi kéo, ngộ nhận, chống phá cách mạng.

Tuy nhiên, nhờ có chính sách đại đoàn kết và tự do tín ngưỡng của Đảng bộ tỉnh, đã đoàn kết được đông đảo đồng bào theo đạo Cao Đài tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù luôn tìm mọi cách lợi dụng, chia rẽ dân tộc, tôn giáo nhằm chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nhưng với chính sách đại đoàn kết dân tộc và tự do tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đại bộ phận tín đồ các tôn giáo trong tỉnh đều đứng về phía cách mạng, cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Nét độc đáo về dân cư ở Bình Dương là sự quy tụ cư dân từ bốn phương trong cả nước cùng với các dân tộc bản địa. Trong quá trình xây dựng cuộc sống, biết bao thế hệ đã cùng nhau vun đắp, bảo vệ mảnh đất này. Có thể nói, đây là hình ảnh thu nhỏ những tính chất, sắc thái của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Đại bộ phận cư dân Bình Dương, bất kể xuất phát từ đâu tới đều là người lao động nghèo khổ, cùng cảnh ngộ, bị vua quan phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột. Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nhu cầu tồn tại, làm chủ thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm đã gắn bó họ thành một khối có tinh thần yêu thương đùm bọc và nhất trí cao. Trên cơ sở lưu giữ phần cốt lõi tính cách dân tộc, quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển trong điều kiện lịch sử mới đã góp phần định hình tính cách riêng của người dân ở đây. Đó là tinh thần yêu quê hương, đất nước thiết tha; là ý chí bất khuất, khẳng khái và năng động trước mọi ngáng trở của hoàn cảnh; là tinh thần chiến đấu táo bạo, kiên cường; là phẩm chất tự lực tự cường, cần cù lao động; là tinh thần tương thân tương ái, thủy chung, trọng nghĩa khinh tài, không sợ gian khổ hy sinh, chung sức chung lòng chống kẻ thù xâm lược; đặc biệt là không bản vị, cục bộ, địa phương chủ nghĩa.

Điểm đặc sắc trong truyền thống văn hóa ở Thủ Dầu Một-Bình Dương là có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ với đội ngũ thợ lành nghề. Trong đó, có những nghề nổi tiếng và lâu đời nhất là nghề mộc, điêu khắc, gốm sứ, sơn mài. Ngoài ra, còn các ngành nghề khác như nghề đục đẽo đá, nghề làm guốc, đan lát mây tre, hội hoa, kiến trúc, nghề làm đồ nữ trang (kim hoàn), vẽ tranh trên kính …

Do cuộc chiến tranh kéo dài và ác liệt, phần lớn các tác phẩm nghệ thuật ở Bình Dương bị phá hủy, nhưng rải rác đó đây vẫn còn sót lại một vài tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chính do ở Thủ Dầu Một – Bình Dương có nhiều nghề nổi tiếng và một đội ngũ thợ thủ công khá đông đảo, cho nên ngay từ năm 1901, thực dân Pháp đã mở tại đây một trường Bá Nghệ sớm nhất và lớn nhất ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Trường Bá Nghệ chuyên dạy về điêu khắc, chạm trổ gỗ để có điều kiện phát triển các sản phẩm hàng hóa về sơn mài và đồ gia dụng trang trí nội thất dùng xuất khẩu thu lợi nhuận. Được đào tạo tại trường và trong suốt quá trình thực hành công việc, ở Bình Dương đã có một đội ngũ thợ có tay nghề cao và một số nghệ nhân có tiếng trong nghề sơn mài, điêu khắc và chạm trỗ gỗ.

Gốm sứ là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Bình Dương. Lịch sử hình thành và phát triển ngành gốm sứ ở tỉnh nhà chưa có tài liệu thành văn nào nói đến xuất sứ của nó. Song, tại những điểm khai quật một số di chỉ khảo cổ ở huyện Tân Uyên, đặc biệt là di chỉ Dốc Chùa thuộc xã Tân Mỹ, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều loại di vật gồm: gốm sứ, đồ đồng thau, các công cụ đồng dùng để sản xuất nông nghiệp, săn bắn … Sản phẩm đã thu được tại di chỉ này gồm dọi xe chỉ, đồ dùng các loại. Sau khi nghiên cứu, khảo nghiệm các loại di vật, các nhà khảo cổ đã dự đoán rằng, di chỉ Dốc Chùa là một trong những trung tâm văn minh xưa ở lưu vực sông Đồng Nai. Dốc Chùa là địa điểm cư trú lâu dài của cư dân thời đại Đồng thau. Dốc Chùa đã bước vào thời kỳ văn minh cách ngày nay khoảng 2500 năm đến 3000 năm, tương đương với thời kỳ phát triển cao của nền văn minh Đông Sơn thời các vua Hùng. Gốm sứ tại di chỉ Dốc Chùa – Tân Uyên do con người bản địa thời tiền sử đã tạo ra cách nay nhiều thế kỷ. Những gốm sứ này có hình dáng đẹp đẽ, chắc bền do được nung ở nhiệt độ khá cao.

Cũng tại vùng đất Thủ Dầu Một, Biên Hòa, trước khi có những lò gốm của người Hoa xuất hiệ, nghề gốm của người Việt đã được hình thành từ rất sớm, mà Tân Vạn là trung tâm của sự phát triển đó.

Về sau, vào khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, cùng với các đoàn thuyền buôn, một số người Hoa đầu tiên vốn là thợ thủ công gốm sứ đã đến vùng đất Cây Mai thuộc Sài Gòn mở nghề làm gốm. Nhưng do chất đất ở đây không hợp với nghề làm gốm, vì vậy gốm Cây Mai của người Hoa từ Sài Gòn đã chuyển lên vùng Lái Thiêu ngày nay để lập nghiệp. Bằng kinh nghiệm trong nghề, họ đã phát hiện chất đất ở đây có thể dùng làm đồ sành sứ và từ đó họ bắt đầu xây dựng một vài hầm lò rãi rác vài nơi. Dần dần làm ăn phát đạt, họ tiếp tục phát triển rộng hệ thống hầm lò ra các vùng lân cận thuộc An Thạnh, Hưng Định, Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh ngày nay …

Tương tự như ở gốm sứ, nghề làm sơn mài ở tỉnh Bình Dương,  là một trong những nghề cổ truyền đã hình thành cách nay vài trăm năm, đây là một ngành có giá trị cao về lợi ích kinh tế.

Sơn son thếp vàng vốn là nghề truyền thống của người Việt Nam. Thời Phú Cường còn là lỵ sở của huyện Bình An, ở đây có những nghệ nhân chuyên sơn các tượng Phật, các bức tượng, hoành phi, câu đối. Ngày nay còn rất ít được giữ lại trong các đền, chùa cổ. Đó là kỹ thuật sơn son thếp vàng cổ truyền của người Việt Nam từ miền Trung đưa vào. Từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, nhóm giáo viên của trường đã sáng tạo ra kỹ thuật cách tân sơn bóng có mài, từ đó hình thành sơn mài Việt Nam. Bình Dương thời đó có một số thanh niên đi học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, đã tiếp thu được kỹ thuật sơn mài và trở về phổ biến tại địa phương. Vốn là vùng đất có nhiều gỗ quý – nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc phát triển nghề sơn mài cộng với nghề điêu khắc gỗ nổi tiếng từ trước – Tất cả các yếu tố đó đã giúp cho Bình Dương có một nghề sơn mài truyền thống phát triển mạnh. Trong đó, Tương Bình Hiệp vốn từ lâu đã nổi tiếng là trung tâm sơn mài của đất Bình Dương.

Dưới chế độ Pháp thuộc, nhân dân ta sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mọi sinh hoạt mang tính chất văn hóa dân tộc đều bị chúng bóp nghẹt. Đời sống của nhân dân vô vàn khó khăn, vật chất thiếu thốn khổ cực, nền âm nhạc chỉ dành cho những người giàu có, tầng lớp trung lưu trở lên. Nhạc cụ chủ yếu là các cây đàn kìm, đàn bầu, đàn nhị, sáo, bộ gõ, nhạc cụ mới chỉ có thêm viôlông dùng để đệm hoặc hòa tấu. Phương tiện truyền thanh hầu như không có gì, nên việc giao lưu và phát triển gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, việc hoạt động âm nhạc là tự phát ở một số người, số nhóm yêu thích và có tâm huyết. Nhạc dân tộc thời kỳ này chỉ phổ biến ở các dịp cúng đình, chùa, miếu, các dịp tết, giỗ, cưới xin và ma chay. Việc cải biến, chỉnh lý và nâng cao hầu như không có gì đáng kể. Thời kỳ này có sự ra đời và trưởng thành nhanh chóng của ngành ca nhạc cải lương. Một số nghệ nhân có tiếng của Bình Dương lúc đó là ông Chín Hòa, Tám Quốc chơi được nhiều loại đàn và hướng dẫn cho một số người thuộc thế hệ sau này. Ngoài ra còn nhiều nghệ nhân rất giỏi về đàn kìm, đàn tranh, đàn ghi ta phím lõm. Một số địa phương có phong trào âm nhạc khá sôi nổi của tỉnh lúc đó là thị xã, Bến Thế, Lái Thiêu …

Bên cạnh truyền thống lao động sáng tạo với một nền văn hóa truyền thống sinh động, nhân dân Bình Dương còn có truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm.

Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 27-6-1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Trước sự đánh trả mạnh mẽ của nhân dân ta, chúng bèn kéo vào Nam Kỳ và đánh thành Gia Định ngày 17-2-1859. Sau khi đánh lấy đồn Kỳ Hòa (25-2-1861) và chiếm xong toàn tỉnh Gia Định (28-2-1861), Pháp huy động một lực lượng bao gồm cả bộ binh và tàu chiến do tên trung tướng Sacne (Charner) chỉ huy, theo sông Sài Gòn tiến công vào huyện Bình An, gây nhiều tội ác với nhân dân.

Trái ngược với thái độ đầu hàng của đám quan lại chủ hòa, nhân dân Thủ Dầu Một – Bình Dương đã dấy lên phong trào đấu tranh chống Pháp rất sôi nổi. Trong cuộc đấu tranh này, trong số quan lại địa phương đã hình thành phái chủ chiến tại chỗ như Đổng lý Văn Đức Đại, Phó đề đốc quân thứ Lê Quang Tiến ở Bình An, Bố chính Thân Văn Nhiếp ở Tân Uyên. Nhiều thanh niên, trai tráng ở vùng Lái Thiêu, Tân Uyên … gia nhập đội quân của Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp chống giặc. Đông đảo nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh giặc và thực hiện vườn không, nhà trống … Trong những ngày kháng chiến đầu tiên, quân dân ta đã quấy phá địch ở khu vực Bình An, gây cho chúng mất ăn mất ngủ. Sau khi giặc Pháp lần lượt đánh chiếm ra nhiều nơi, lực lượng ta rút lui vào rừng và vùng nông thôn lân cận tiếp tục cuộc kháng chiến.

Ngày 31-7-1861, 1.500 nghĩa quân từ căn cứ trong rừng vượt qua sông rạch và làng xóm tiến về Đồng Ván thuộc làng Tân Ba, đánh bọn lính Pháp đang làm cầu và kho ở làng An Thành. Nghĩa quân làm chủ được nhiều ngày và kiểm soát được cả đường sông và đường bộ ở đây. Quân Pháp bị đẩy vào thế thủ, chỉ giữ được một số ít đất và dân quanh các đồn bót mới được dựng lên.

Tháng 10-1861, quân dân Bình An ba lần bao vây, tiến công đồn Phú Cường, An Thạnh, Hưng Định gây thiệt hại cho địch. Ngày 23-11-1861, quân Pháp và tay sai đánh vào vùng Bình Chuẩn, Tân Khánh – nơi nghĩa quân trú đóng, đã bị nghĩa quân đánh trả quyết liệt. Ngày 15-12-1861, 1.000 nghĩa quân phối hợp với 500 quân triều đình tấn công lần thứ hai vào thủ phủ Bình An. Ngày 16-12-1861, quân thủy và quân bộ của giặc kéo đến trước thành Biên Hòa, trong lúc quân triều đình mỗi nơi chạy trốn một hướng thì nghĩa quân Tân Uyên và Biên Hòa vẫn kiên quyết đánh địch.

Với một đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị đầy đủ vũ khí các loại, thực dân Pháp đã chiếm được vùng đất Bình An, Tân Uyên và cả Biên Hòa. Nhưng phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân vẫn không ngừng tiếp diễn. Năm 1870, khi nghĩa quân của Trương Quyền và nhà sư Pô Cum Pô từ Tây Ninh tấn công vào các đồn nhỏ của Pháp ở ven sông Thị Tính (nay thuộc huyện Bến Cát), Bình An và Tân Uyên, nhân dân nhiều làng ở đây đã hưởng ứng mạnh mẽ. Đồng bào đã ủng hộ lương thực, quà bánh, heo gà và dẫn đường cho nghĩa quân. Nhiều thanh niên đã tham gia vào hàng ngũ kháng chiến….

Hoàn thành việc xâm chiếm và đặt ách thống trị trên đất Nam kỳ, thực dân Pháp lập đại lý hành chính và các đồn binh khắp nơi trong tỉnh, bao gồm cả vùng các dân tộc ít người như Hớn Quản, Bù Đốp … Từ năm 1905, bọn tư bản Pháp bắt đầu lập ra các đồn điền ở An Lộc, Xa Trạch. Đến năm 1916, đã có hàng loạt công ty cao su ra đời trên đất Thủ Dầu Một.

Quá trình hình thành và phát triển các đồn điền cao su của thực dân Pháp gắn liền với việc cướp đoạt đất đai, nương rẫy của đồng bào các dân tộc và sự bóc lột sức lao động hết sức nặng nề đối với công nhân. Áp bức, bóc lột càng nặng thì sự vùng dậy đấu tranh càng quyết liệt.

Lúc đầu, chính các tù trưởng bộ lạc là những người khởi xướng các cuộc đấu tranh chống Pháp lẻ tẻ. Năm 1908, đồng bào các dân tộc Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Tà Mun, Mơ Nông ở Lộc Ninh dưới sự lãnh đạo của ông Điểu Dố (người Stiêng) đã nổi dậy đánh đuổi quân Pháp xâm chiếm buôn rẫy, tiêu diệt nhiều quân địch.

Từ năm 1912 trở đi, ông Nơ Trang Lơng lãnh đạo các dân tộc ở Tây Nguyên và Đông Nam Kỳ đứng lên chống Pháp trên một địa bàn rộng lớn. Dưới sự lãnh đạo của Nơ Trang Lơng, từ năm 1912-1914 là thời kỳ oanh liệt và hào hùng của các cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung cũng như đồng bào ở Lộc Ninh, Hớn Quản của Thủ Dầu Một – Bình Dương nói riêng. Đứng đầu các cuộc khởi nghĩa ấy là những người được dân làng gọi là “tướng lĩnh” như các ông R’Đing, ông R’Ong … đội quân của họ thường có từ 150-170 người, có lúc đến 400, 500 người gồm cả dân làng. Họ chặn đánh địch nhiều lần và đã từng thắng trận ở Bumêra. Họ đánh đồn Bu Ndum nhằm ngăn toán quân của tên công sứ Cơrachiê (Kratíe) đi đàn áp khởi nghĩa. Tuy phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất nhưng nghĩa quân đã từng lập nhiều chiến công vẻ vang, có trận diệt tới 50 tên địch, thu được nhiều súng đạn.

Năm 1914, đồng bào các dân tộc Châu Ro, Stiêng vẫn  tiếp tục cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của ông Điểu Dố. Ông Điểu Dố lập căn cứ tại núi Gió Quản Lợi, chỉ huy nghĩa quân đánh các bót ở Hớn Quản, Bù Đốp và hoạt động ở nhiều nơi khác. Đến năm 1918, trong cuộc chiến đấu ở vùng ngã ba Nhà Mát xã Long Nguyên, ông đã bị giặc Pháp bắn chết. Phong trào đấu tranh vũ trang nổi dậy  chống Pháp của đồng bào các dân tộc Thủ Dầu Một – Bình Dương không lúc nào ngừng. Thủ lĩnh này bị giặc Pháp bắt hoặc bị chết lại có thủ lĩnh khác lên thay, lớp nghĩa quân này tan vỡ lại có lớp nghĩa quân mới thay thế, tiếp tục cuộc chiến đấu.

Giữa lúc phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp của đồng bào các dân tộc phía Bắc tỉnh đang diễn ra sôi động, thì ở phía Nam những cuộc đấu tranh của thợ thủ công các lò gốm ở Lái Thiêu, Tân Uyên, Bến Cát … cũng làm cho bọn thực dân lo ngại. Cũng như ở các tỉnh Nam Kỳ, trong thời gian này tại Thủ Dầu Một, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra dưới hình thức thành lập các hội kín yêu nước như Thiên Địa hội, hội Danh dự, Hội kín Nguyễn An Ninh.

Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Thủ Dầu Một, nhất là thời kỳ chúng thiết lập xong bộ máy cai trị và tiến hành bóc lột, đàn áp nhân dân, thì cũng là lúc phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh diễn ra ngày càng sôi nổi, quyết liệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ vùng núi phía bắc xa xôi hùng vĩ đến vùng đất phía nam bốn mùa hoa trái và những cánh đồng lúa bát ngát của tỉnh – tất cả đều nhằm vào kẻ thù xâm lược, kiên quyết đánh đuổi chúng để bảo vệ quê hương, làng xóm thân yêu của mình. Trong một bối cảnh của cuộc chiến đấu không cân sức và chưa có đường lối lãnh đạo, chưa mục tiêu đấu tranh đúng đắn, nên phong trào đấu tranh của nhân dân ta không giành được thắng lợi như mong muốn. Từ những năm 1928 đến đầu năm 1930, phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước cũng như ở Thủ Dầu Một ngày càng phát triển cao. Cũng vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3-2-1930 đã đáp ứng được những nguyện vọng bức thiết của phong trào cách mạng cả nước. Cũng từ đây, phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một đã có Đảng lãnh đao, dẫn dắt phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đi đúng hướng và giành được những thắng lợi quyết định trong suốt quá trình tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 


 (1) Theo số liệu Cục thống kê tỉnh Bình Dương năm 2002

 

(1)Nguyễn Siêu Phương Đình: Dư địa chí – phần nói về tỉnh Biên Hòa, do Nguyễn Mạnh Nghiêm, dịch năm 1958.

(2) Nguyễn Đình Đầu: Một số nét sơ lược về lịch sử địa lý, dân cư và ngành nghề truyền thống của tỉnh Sông Bé – Kỷ yếu Hội nghị khoa học Bảo tồn, bảo tàng, Sở VHTT tỉnh Sông Bé xuất bản, tháng 2/1986, trang 83, 85

(1)Dương Kinh Quốc: Việt Nam-Những sự kiện lịch sử (tập I : 1858-1896), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, trang 177

79 thoughts on “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương, phần 1: 1930 – 1945

  1. Go 1to this website to get cooking fever free diamonds

    u3iauds11
    This game is a whole lot more fun when you have as many diamonds as you want.If you love mobile games like this you need to check out this site

  2. Hello, could you please review my blog post and approve it for publication? Thanks.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.