Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương, PHẦN THỨ HAI

PHẦN THỨ HAI

ĐẢNG BỘ TỈNH THỦ DẦU MỘT THÀNH LẬP VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)

Chương Một

CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA ĐỜI VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG Ở THỦ DẦU MỘT TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ (1930-1935)

I. TÌNH HÌNH THỦ DẦU MỘT TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ

Sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, ngày 29-2-1861 quân Pháp đánh chiếm Thủ Dầu Một. Cuối năm 1861, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị của chúng và sau đó tiếp tục mở rộng phạm vi chiếm đóng lên phía bắc Thủ Dầu Một như Bù Đốp, Hớn Quản, Bà Rá, v.v… là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Stiêng, Khơ me, M’nông, Châu Ro, Mạ, Tà Mun … Nhưng mãi đến năm 1892, chúng mới thiết lập được bộ máy cai trị ở quận Chơn Thành (sau đổi thành quận Hớn Quản) gồm 6 tổng và 50 buôn làng. Năm 1898, chúng lập ra một số đồn bót ở các vùng Bù Đốp, Chơn Thành, Bà Rá…

Từ năm 1899 trở đi, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân đàn áp bắt dân đưa đi làm lao dịch. Chúng thực hiện biện pháp dùng vũ lực kết hợp lừa mị để cướp đất, xua đuổi đồng bào phải rời buôn làng, nương rẩy đi sâu vào chốn rừng thiêng nước độc. Thâm hiểm hơn, chúng gây chia rẽ giữa những cộng đồng bộ lạc, giữa các dân tộc thiểu số với người Việt. Chúng xóa bỏ chế độ tù trưởng và dựng lên lớp tay sai thuộc tầng lớp có uy quyền nhất ở các làng, tổng. Những việc làm đó của thực dân Pháp nhằm vào nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu quan trọng nhất của giặc là lập ra các đồn điền cao su kết hợp với khai thác gỗ… theo chính sách khai thác thuộc địa và xây dựng căn cứ chiến lược Tây Nguyên.

Năm 1905, bọn tư bản Pháp bắt đầu lập ra các đồn điền cao su ở An Lộc, Xa Trạch. Đến năm 1916, đã có hàng loạt công ty cao su ra đời trên đất Thủ Dầu Một. Sự mất mát quyền lợi thiết thân hàng ngày cùng nhiều đau khổ do giặc Pháp gây ra đã tạo nên mối hận thù sâu sắc trong đồng bào các dân tộc. Cũng từ đó, đã bùng phát lên những cuộc đấu tranh của đồng bào chống lại kẻ thù xâm lược ngay trên mảnh đất của mình đang sinh sống.

Trong chính sách khai phá thuộc địa của thực dân Pháp, đối với nông nghiệp, chúng chọn những vùng đất tốt, màu mỡ để trồng trọt sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu như cao su, cà phê, mía làm đường, cây đay… Thủ Dầu Một là một trong những nơi ở Nam Kỳ được tư bản Pháp chú ý tới việc khai thác vùng đất đai màu mỡ này.

Theo tài liệu của Tettông (Teston) và Pơxerông (M.Percheron) thì cho đến năm 1931 ở Thủ Dầu Một đã khai thác được diện tích cây trồng như sau: Cao su 35.000 ha; dừa 810 ha; mía 750 ha; đậu phộng 400 ha; thuốc lá 200ha; bắp 17 ha.

Với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai và sự bóc lột nhân công rẻ mạt, thực dân Pháp đã tìm mọi cách nhằm khai thác về cho chúng những lợi nhuận cao nhất. Chính sách khai thác thuộc địa tàn bạo của bọn thực dân cướp nước đã châm ngòi cho những cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt của dân tộc Việt nam nói chung và Thủ Dầu Một nói  riêng.

Trong những năm đầu của thế kỷ XX, ngoài những hoạt động vũ trang chống Pháp diễn ra trên khắp các địa bàn ở Thủ Dầu Một, các tổ chức yêu nước cũng hoạt động rất tích cực như Thiên Địa hội, Hội Danh dự, Hội kín Nguyễn An Ninh

Thiên Địa hội là một tổ chức chống pháp của nông dân Nam Kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Hội đã thu hút đông đảo nông dân và các  tầng lớp lao động khác bao gồm những người căm thù sâu sắc bọn cướp nước và bọn cường hào ở làng xã.

Ở Thủ Dầu Một, cơ sở của Hội được lập ra tại nhiều xã trong các Quận. Nhiều cơ sở của Hội tổ chức luyện tập võ nghệ và cùng nhau thề nguyện đánh Tây. Tiêu biểu cho sự hoạt động của tổ chức này là khoảng cuối tháng 2-1916, hàng trăm hội viên ở Lái Thiêu mang theo gậy tầm vông, giáo mác tụ họp tại đình Tân Thới cùng nhau thề nguyện đánh Pháp, rồi kéo đi Sài Gòn định cứu “hoàng đế” Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) đang bị giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Đoàn người vừa rời khỏi chợ Lái Thiêu thì bị quân lính đến bao vây, bắt đi một số người và bắt giải tán.

Cùng với Thiên Địa hội thời kỳ này ở Thủ Dầu Một còn có hoạt động của Hội Danh dự. Những người sáng lập ra Hội này là cụ Phan Đình Viện (Tú Cúc, nhà chí sĩ yêu nước quê ở Hà Tỉnh đã từng tham gia phong trào Duy Tân năm 1911 bị giặc Pháp và tay sai cấm hoạt động, lánh mình vào Nam đến Thủ Dầu Một); và cụ phó bản Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh cụ Hồ Chí Minh – một vị khoa bảng có lòng yêu nước, chống Pháp, đã đi nhiều nơi rồi đến chùa Hội Khánh cùng hoạt động với Hòa thượng Từ Văn). Ngoài ra, Hội còn có tám người khác cùng tham gia. Bằng những hoạt động bình thường như xem mạch bốc thuốc trị bệnh, làm thầy địa lý, dạy chữ Nho, v.v., tiếp xúc với dân hàng ngày các cụ đã giáo dục đạo lý ở đời là phải ăn ở hiền lành, có đức độ, không tham lam trộm cướp, không theo bọn lang sói hại dân, phản nước, nên theo gương oanh liệt chống ngoại xâm của tổ tiên ta…

Tuy Hội Danh Dự  sau đó bị giải tán, nhưng những lời nói và việc làm của các cụ trực tiếp hay gián tiếp đã để lại cho dân chúng địa phương những ấn tượng tốt đẹp, ảnh hưởng sâu sắc đến lòng yêu nước của họ.

Sau những hoạt động của Thiên Địa hội và Hội Danh dự, phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một vẫn tiếp tục phát triển. Trên cơ sở phát triển của phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một cũng như ở thành phố Sài Gòn và một số tỉnh lân cận, một tổ chức yêu nước khác lại ra đời, đó là Hội kín Yêu nước của Nguyễn An Ninh.

Tại Thủ Dầu Một, cơ sở của Hội được lập ra đầu tiên ở quận Lái Thiêu có khoảng 10 thanh niên như : Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Văn Lộng, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng,v.v… Về sau, Hội tăng lên hàng chục hội viên. Thành viên của hội bao gồm những người là thợ mộc, thợ lò chén, thợ lò đường, học sinh, thầy giáo, thầy ký ở thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, v.v… Trong số đó có nhiều người là con em của các hội viên Thiên Địa hội trước kia.

Hội Kín Yêu nước được lập ra ở Thủ Dầu Một với mục đích “Tìm cách giải phóng giống nòi” theo lời kêu gọi của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh đã từng nêu trên diễn đàn và báo chí công khai. Các hội viên thường giúp đỡ nhau về tiền gạo và thăm hỏi nhau khi gặp tang ma hoặc tai nạn, khuyên răn nhau trọng đức và khinh rẻ kẻ gian nịnh Tây tà. Các hội viên là thầy giáo, thầy ký, học sinh thường tập hợp thành các nhóm đọc sách báo tiến bộ, trong đó có các báo “Chuông Rè” (La cloche fêléc) và An Nam (L’Annam)… Từ khi Nguyễn An Ninh bị giặc Pháp bắt giam ở Sài Gòn (1929), hoạt động của Hội kín ở Thủ Dầu Một chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nhóm đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng như: Lê Trọng Khôi, Nguyễn Chí Diễu… Ngoài ra, quần chúng ở Lái Thiêu còn được tiếp nhận sự tuyên truyền cách mạng của các đảng viên An Nam Cộng sản Đảng từ  Sài Gòn lên.

Từ năm 1925 trở đi, do chịu ảnh hưởng của nhiều sự kiện chính trị lớn trong nước, phong trào yêu nước và đấu tranh ở Thủ Dầu Một có những sự chuyển biến mới. Công nhân ở các đồn điền cao su Đa Kia, Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng, Phước Hòa… đã nhiều lần  bãi công, biểu tình đưa kiến nghị lên chủ đồn điền. Nhất là từ năm 1929 đến năm 1930, những cuộc đấu tranh sôi nổi dưới sự tổ chức chỉ đạo của Chi bộ Cộng sản ở đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) và đềpô xe lửa Dĩ An (Gia Định) đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một.

Tuy nhiên, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX chưa thể giành được thắng lợi cơ bản vì chưa có đường lối cách mạng đúng đắn. Song phong trào vẫn đứng vẫn và phát triển được nhờ có chủ nghĩa yêu nước Việt nam và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Đến cuối năm 1929 đầu năm 1930, phong trào yêu nước cùng với những nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Thủ Dầu Một đã trở thành mảnh đất tốt cho sự nẩy mầm những hạt giống cách mạng sau này.

II. CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA ĐỜI VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở THỦ DẦU MỘT  TỪ 1930 ĐẾN 1935

Giữa lúc dân tộc Việt Nam đang chìm trong đêm dài nô lệ, khủng hoảng về con đường cứu nước thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, với lòng yêu nước thương dân tha thiết đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường cứu nước – con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng chí đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và nhân dân ở nước ta. Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và quần chúng nhân dân trong nước.

Từ năm 1928-1929, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên của mình vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy… từ đó phong trào công nhân, phong trào cách mạng trong nước có những bước phát triển mới. Nhiều tổ chức cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được hình thành giữ vai trò tổ chức tuyên truyền, lãnh đạo phong trào cách mạng ở các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền. Nhờ sự tuyên truyền, giáo dục của Hội cộng với sự tôi luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng, nhiều nơi đã xuất hiện những nhân tố điển hình báo hiệu sự hình thành tổ chức mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào cách mạng trong nước.

Phong trào cách mạng nước ta những năm 1928-1929 có nhiều hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ. Phong trào bãi công của công nhân liên tiếp nổ ra, các cuộc đấu tranh có liên hệ chặt chẽ với nhau và phát triển rộng khắp, có tính chất toàn quốc. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân cũng diễn ra sôi nổi chống lại bọn cường hào cướp đoạt ruộng đất, đòi giảm sưu thuế, học sinh bãi khóa, tiểu thương, tiểu chủ chống thuế …

Từ cuối năm 1929 đầu năm 1930, ở nước ta lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng (6-1929), An Nam cộng Đảng (9-1929) và Đông Dương cộng sản Liên đoàn (1-1930). Ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở ba miền đất nước đã ảnh hưởng trực tiếp tới những người tiên tiến trong tổ chức thanh niên, mở ra một cao trào thành lập các chi bộ cộng sản ở các tỉnh.

Sau một thời gian tuyên truyền, giác ngộ xây dựng cơ sở, tháng 10-1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) đã thành lập chi bộ cộng sản do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (Nguyễn Văn Vĩnh) làm bí thư. Đến tháng 1-1930, chi bộ dự bị đặc biệt được thành lập tại đềpô xe lửa Dĩ An thuộc tỉnh Gia Định, gồm 2 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm bí thư. Hai chi bộ cộng sản được thành lập ở địa bàn giáp ranh, hai đầu phía bắc và phía nam của Thủ Dầu Một (Phú Riềng và Dĩ An) vào cuối năm 1929, đầu năm 1930 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến phòng trào cách mạng ở Thủ Dầu Một.

Vùng đất Bình Nhâm, Lái Thiêu là một trong những nơi của Tỉnh Thủ Dầu Một sớm có phong trào yêu nước chống Pháp sôi nổi và tham gia các tổ chức yêu nước như Thiên Địa hội (1913-1916), Hội kín Nguyễn An Ninh (1926-1929)… Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, một nhóm thanh niên yêu nước xã Bình Nhâm được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng thông qua sự tuyên truyền giáo dục của hai nhóm đảng viên cộng sản thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gồm hai đồng chí Lê Trọng Mân (Khôi), Nguyễn Đình Kiên và An Nam Cộng sản Đảng ở Tỉnh Gia Định và Sài Gòn.

Sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đồng chí Lê Trọng Mân, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Gia Định, cử một số đồng chí quê ở Hóc Môn, Gia Định đến hoạt động ở xã Bình Nhâm và vùng Lái Thiêu. Số đảng viên này đã móc nối cùng nhóm quần chúng trong Hội kín vận động nhân dân đấu tranh. Từ tháng 3 đến tháng 8-1930, nhân dân vùng Lái Thiêu đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh lớn do Tỉnh ủy Gia Định chỉ đạo. Những đảng viên đang hoạt động ở đây đã tìm hểu kỹ tình hình quần chúng trong “Hội kín Nguyễn An Ninh” và chọn số anh em tích cực giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong đấu tranh, chuẩn bị xây dựng tổ chức Đảng. Suốt quá trình đấu tranh đã xuất hiện một số quần chúng ưu tú, họ lần lượt được kết nạp vào Đảng.

Tháng 8-1930, chi bộ cộng sản xã Bình Nhâm được thành lập. Lớp đảng viên đầu tiên của chi bộ Bình Nhâm gồm các đồng chí:

– Đồng chí Ba Phèn (thầy thuốc Ba Phèn): Bí thư chi bộ

– Hồ Văn Cống (Hai Cống)

– Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết)

– Nguyễn Văn Lộng (Tự Chùa)

– Đinh Văn Sáng (Tám Sáng)

Sau khi thành lập, chi bộ Bình Nhâm tiến hành tổ chức Nông Hội đỏ ở một số xã và Hội tương tế ở các lò chén, lò đường, trại mộc… thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia. Đây là lực lượng sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trong những tháng cuối năm 1930, bốn lần nhân dân ở đây tổ chức, mít tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên ban hội tề xã, số lượng quần chúng tham gia đấu tranh không chỉ bó hẹp trong 4 xã mà còn mở rộng ra các xã Thuận Giao, Tân Khánh… Đáng chú ý nhất là cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra vào tháng 11-1930.

Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, với niềm tin vào Liên Xô vĩ đại qua sự tuyên truyền giáo dục của Đảng, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức rải truyền đơn hoặc mít tinh kỷ niệm.

Ở xã Bình Nhâm, chi bộ Đảng đã vận động được khoảng 200 người đến dự mít tinh tại miễu Cây Đào, xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu vào ban đêm. Nhiều thợ lò chén, lò đường, thợ mộc và nông dân nhiều xã dùng mưu kế lọt qua mắt địch đến đây. Trong cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết, vốn là thầy giáo làng từng được đọc sách báo tiếng Pháp viết về Lênin và cách mạng Nga năm 1917 và được nghe các đồng chí khác nói chuyện, đã thay mặt chi bộ nói về mục đích, ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Nga 1917 cho bà con nghe. Đồng chí còn tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân hăng hái đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Cuộc mít tinh tiến hành sôi nổi và nhanh chóng. Những người dự mít tinh vô cùng phấn khởi khi được nghe ở Liên Xô, công, nông trí thức đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của quý tộc địa chủ và tư bản, làm chủ đất nước mình. Qua cuộc mít tinh này đồng bào bày tỏ lòng thành kính đối với Liên Xô anh hùng và Lênin vĩ đại.

Ngày hôm sau, hương cả Xị, tay chân đắc lực của thực dân Pháp dẫn quân lính và mật thám đến khủng bố bắt được đồng chí Nguyễn Văn Tiết(1) và một số người đã tham gia cuộc mít tinh.

Cũng nhân dịp kỷ niệm ngày lễ này, ở một số nơi lân cận như đềpô xe lửa Dĩ An tuy không có sự chỉ đạo của đảng viên cộng sản, một số cốt cán công hội vẫn tự động rải truyền đơn “ủng hộ chính quyền Liên bang Xôviết”. Tại thị trấn Uyên Hưng, quận Tân Uyên một số quần chúng cũng tiến hành rải truyền đơn, treo cờ Đảng ở chợ, do các đồng chí ở quận Củ Chi (Gia Định) đến hướng dẫn.

Đứng trước sự phát triển mạnh của phong trào đấu tranh của nhân dân nói chung, của công nhân nói riêng trên phạm vi cả nước cũng như trong nội tỉnh Thủ Dầu Một, trong các năm 1929-1930, thực dân Pháp ra sức đối phó bằng cách tăng cường bắt bớ và khủng bố đẫm máu. Tháng 5-1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư của Đảng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương lần lượt sa vào tay giặc. Từ năm 1932 đến tháng 5-1935, Xứ ủy Nam Kỳ 4 lần bị tổn thất nặng nề.

Thực dân Pháp tưởng rằng với chính sách khủng bố đẫm máu, chúng có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản và dập tắt được phong trào cách mạng. Nhưng chúng đã lầm. Từ năm 1932, phong trào cách mạng bắt đầu được phục hồi trên phạm vi cả nước.

Ở Thủ Dầu Một, mở đầu cho sự phục hồi phong trào là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng vào cuối năm 1932. Nguyên nhân làm nổ ra cuộc đấu tranh là chủ sở lấy cớ giá cao su bị hạ trên thị trường thế giới, ra lệnh giảm tiền lương của công nhân. So với mức lương cũ ghi trong bản giao kèo thì mức lương mới bị giảm bớt 10 xu/ngày, đàn ông chỉ còn lãnh 30 xu/ngày, đàn bà thì 20 xu/ngày.

Trước tình hình ấy, một số công nhân tiên tiến trước đây đã từng đứng ra làm đại biểu trong các cuộc đấu tranh, liền đi vận động công nhân chống lại chủ trương của chủ. Kết quả là vào khoảng 22 giờ ngày 15-12-1932, 1.000 nam nữ công nhân các làng kéo đến bao vây văn phòng chánh chủ sở Dầu Tiếng.

Đại biểu công nhân gặp chủ sở đưa yêu sách: không được hạ lương, không được đánh đập, cúp phạt, v.v… Bọn chủ ngoan cố làm ngơ không giải quyết và chuẩn bị đối phó.

Ban lãnh đạo đấu tranh quyết định cương quyết tiến công địch, đưa ra chủ trương kéo lên thưa kiện với viên quan thanh tra của tỉnh và Sài Gòn. Ý kiến này được công nhân đồng tình.

Sáng ngày 16, công nhân tiến hành bãi công và cử ra khoảng 100 người lên tỉnh đấu tranh. Đoàn biểu tình tay không, đã tìm đường vượt qua được thị trấn Dầu Tiếng và đồn cảnh sát, nhưng trên đường về chợ Bến Cát thì bị địch bố trí sẵn chặn lại ở đoạn vắng người. Hàng trăm lính khố xanh và cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình, làm chết 3 công nhân, làm bị thương nặng 7 người, nhiều người bị thương nhẹ và bị bắt.

Công nhân đưa xác chết lên quận để buộc nhà cầm quyền Pháp bồi thường nhân mạng… Dọc đường đi, họ kêu gọi đồng bào ủng hộ và có thêm người tham gia đấu tranh. Khi đó lính tiếp viện đến bao vây buộc giải tán, nhưng ta cứ tiến.

Chỉ huy địch nhượng bộ, yêu cầu mọi người trở lại đồn điền, chủ sẽ giải quyết các yêu sách và bồi thường nhân mạng…

Nắm bắt được sự kiện anh dũng này, Thành ủy Sài Gòn cử đồng chí Văn Công Khai(1) đến đồn điền cao su Dầu Tiếng để gây dựng cơ sở quần chúng và tiến tới lập chi bộ Đảng.

Sau thời gian công tác, đồng chí Văn Công Khai đã tổ chức được một nhóm công nhân mật: Đinh Công Toàn, Đặng Dân… làm nồng cốt cho việc lập Hội ái hữu, lập Đội tự vệ và chuẩn bị đối phó với chủ.

Tiếp đó khi ĐờLaPhông (De la Fond) dựa vào cớ giá cao su và giá gạo trên thị trường thế giới hạ, nên tuyên bố giảm lương 10 ngàn công nhân ở đồn điền Dầu Tiếng. Cụ thể mỗi người mất 10 xu/ngày lại còn đưa ra những lời thách thức công nhân .

Tháng 2-1933, có đến 2000 nam nữ công nhân tham gia đình công chống lại sự tuyên bố của chủ công ty, đã làm cho nhà máy chế biến mủ ngừng hoạt động và giảm số người đi cạo mủ.

Chủ sở cấu kết với quận trưởng điều động hàng trăm lính đến bắt công nhân. Đội tự vệ xông vào giành giật lại từng người. Cuộc xô xát diễn ra nhưng không bị đổ máu. Sau đó chủ đồn điền chịu phát lương đúng kỳ, phát gạo đủ 800 gram/ngày và không cúp phạt lương.

Những sự kiện bãi công ở Dầu Tiếng, Lái Thiêu cùng với phong trào công, nông ở Nam Kỳ và cả nước đã gây dư luận xôn xao đến nước Pháp. Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp Môrít Đôrê (Maurice Thorez) tại kỳ họp ngày 14-3-1933, đã kết án: Nước Pháp tư bản chủ nghĩa không hề mang lại cho nhân dân Đông Dương hòa bình, an ninh và thịnh vượng…

Cũng trong năm 1932, hưởng ứng cuộc vận động đấu tranh của Tỉnh ủy Gia Định, ngày 18-4-1932, hàng trăm đồng bào ở các làng Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh, Tân Thới, Hưng Định, Thuận Giao cùng nhau đến gặp ban hội tề và chủ lò gốm. Đại diện nông dân đưa yêu cầu: giảm thuế thân từ 5 đồng xuống 4,5 đồng, hoãn đi làm xâu ở núi Bà Rá (Tỉnh Biên Hòa), vì đang bận làm ruộng, vườn. Đại diện thợ thủ công đưa kiến nghị lên chủ: tăng lương cho thợ đàn ông từ 15 xu/ngày lên 18 xu/ngày, đàn bà từ 12 xu/ngày lên 15 xu/ngày. Cùng lúc đó, ở quận Hóc Môn có đến 1.400 nông dân biểu tình mang theo khẩu hiệu: chống thuế, chống khủng bố của đế quốc. Chủ tỉnh Gia Định đưa mấy trung đội đến đàn áp làm 4 người chết, 3 người bị thương, 40 người bị bắt.

Đầu năm 1933, đồng chí Ba Phèn, Bí thư chi bộ Bình Nhâm được cấp ủy điều đi nhận công tác ở nơi khác. Đồng chí Đinh Văn Sáng được cử làm bí thư thay thế. Nhân dịp này đổi tên chi bộ thành chi bộ Lái Thiêu cho phù hợp với thực tế, vì khi đó ngoài số đảng viên cũ quê ở Bình Nhâm còn có thêm các đảng viên mới quê ở các làng Tân Khánh, An Sơn, An Thạnh … mới được kết nạp.

Công tác trước mắt của chi bộ Lái Thiêu là đẩy mạnh việc thành lập các Hội Ái hữu, Hội vạn cấy, Hội nhà vàng (đám tang) ở các làng trong quận. Kết quả bước đầu đã có nhiều cơ sở của Hội ở lò gốm, lò đường, lò chai, trại mộc, trại sơn mài được thành lập. Có nơi số hội viên từ 20-40 người. Có những cán bộ tích cực như Phan Kim Anh, Nguyễn Trung Hạnh, Năm Nữa ở trại mộc Tân Thới và Phú Long.

Năm 1935, các chủ lò gốm đồng loạt thực hiện hạ mức tiền công trả cho người làm thuê, từ 1 đồng xuống còn 80 xu/18 váng. Thợ giỏi nhất 15 đồng/tháng xuống còn 10 đồng/tháng. Nữ làm nặng nhọc 5 xu/ngày xuống còn 2 xu/ngày.

Nắm bắt được tình trạng trên, chi bộ Lái Thiêu sau những bước công tác điều tra, nghiên cứu, tuyên truyền, đã tổ chức công nhân đấu tranh với qui mô lớn nhất so với trước đây.

Cuộc tổng bãi công từ 27-09 đến 02-10-1935 đã có gần 1 vạn người trong 30 cơ sở tham gia.

Ban đại diện công nhân từng cơ sở đến gặp chủ đưa kiến nghị: phải trả lương đúng số tiền đã giao khoán cho thợ nam, nữ, trẻ em, cho người Việt và người Hoa.

Chủ tư sản đưa ra nhiều lý lẽ để không chấp nhận yêu sách, để dọa đuổi những ai đấu tranh, dụ dỗ thợ trở lại làm việc sẽ được hậu đãi…

Tổ chức công nhân đã dùng các biện pháp tích cực phản đối mạnh với chủ: viết đơn tố cáo lên nhà cầm quyền làng; viết yêu sách dán nhiều nơi có người qua lại và tại chỗ sản xuất, bố trí tự vệ ngầm bảo vệ nhau khi bị địch vây bắt; viết đơn ký tên tập thể đồng gửi lên quận trưởng, tỉnh trưởng, đòi nhà cầm quyền đến tận cơ sở sản xuất để kiểm tra chủ lò gốm cướp giật quyền lợi sống của công nhân.

Ngày 02-10-1935, đoàn thanh tra lao động tỉnh đến xem xét vài lò gốm… Họ tỏ thái độ bảo vệ quyền lợi chủ lò, không giải quyết đơn kiện cáo của công nhân.

Anh chị em công nhân có mặt tại chỗ tỏ thái độ kịch liệt phản đối nhà cầm quyền. Đại diện thợ thầy đứng ra đấu lý với quan thanh tra, với chủ. Sau cùng, chủ lò chấp nhận sẽ không hạ mức lương công nhân, vẫn giữ ở mức lương đã ký hợp đồng.

Về ý nghĩa thắng lợi cuộc tổng bãi công ngành gốm Lái Thiêu được tờ báo La Dépêche có nhận xét: “…Đây là lần thứ nhất mà cuộc bãi công quan trọng như thế này đã xảy ra. Đó là dấu hiệu của thời buổi. E rằng nhiều chức nghiệp khác sẽ noi gương của công nhân lò gốm”(1)

Cùng với những cuộc đấu tranh đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, công nhân đồn điền cao su Lộc Ninh cũng nổ ra đấu tranh quyết liệt. Tháng 5-1935, giữa lúc đời sống của phu cao su đang hết sức khổ cực, thì tên chủ Công ty cao su CESO tuyên bố hạ lương của công nhân từ 40 xu xuống còn 30 xu/ngày, trong khi vẫn phải đi làm 10 – 11 giờ/ngày.

Tin này làm cho anh chị em công nhân ở các đồn điền thuộc công ty hết sức căm uất vì quyền lợi thiết thân hàng ngày của họ bị xâm phạm trắng trợn. Ở đồn điền Lộc Ninh, các công nhân tiên tiến đứng ra thành lập ban đại diện và tổ chức một cuộc biểu tình gồm 500 người phản đối chủ hạ lương, đòi được hưởng tiền lương như cũ, v.v…

Bọn tư bản và nhà cầm quyền Pháp cho quân lính bắt đi 15 người, đánh đập rất dã man hòng uy hiếp tinh thần anh em công nhân. Nhưng anh em công nhân vẫn bền gan, không nản chí, vẫn tiếp tục bãi công và đưa yêu sách mới đòi thả những người bị bắt.

Phối hợp với cuộc đấu tranh phản đối hạ lương, số anh em mãn hạn giao kèo cũng phát đơn đòi trả về quê quán cũ, kiên quyết không chịu tái đăng.

Bọn chủ lúc đầu dùng thủ đoạn khuyên giải anh em ở lại làm thêm, đến khi không có kết quả, chúng buộc phải chấp nhận cho 13 người được hồi hương, song lại nói là họ bị trục xuất vì hoạt động Hội kín. Trong những năm 1934-1935, trên cả nước đã nổ ra 60 cuộc đấu tranh lớn của công nông, trong đó có các cuộc đấu tranh ở Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Lái Thiêu của Thủ Dầu Một. Cơ quan mật thám Đông Dương thú nhận rằng: Hoạt động của đại biểu công nhân là trung tâm thu hút mọi hoạt động chính trị ở Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng ngoại ô. Họ đã trở thành cố vấn chính thức của giai cấp cần lao.

Cuộc đấu tranh của công nhân lò gốm Lái Thiêu nổ ra cùng thời gian với cuộc tổng bãi công ở Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiều cuộc đấu tranh lớn ở các ngành thợ xẻ gỗ, công nhân xây dựng và công nhân các Tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.

Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ năm 1932-1935 những cuộc đấu tranh diễn ra trên địa bàn Thủ Dầu Một, xét về mặt tính chất và quy mô cho thấy sự nhận thức về chính trị, về phương pháp và tổ chức đấu tranh của quần chúng công nông được nâng lên rất cao. Đó là kết quả tổ chức chặt chẽ của cơ sở Đảng ở địa phương, là sự tuyên truyền, hướng dẫn tích cực của Tỉnh ủy Gia Định. Ngoài ra, đảng viên và một số quần chúng ở Thủ Dầu Một trong thời kỳ này còn được tiếp thu những kinh nghiệm đấu tranh thông qua các tờ báo cách mạng lưu hành bí mật như tờ Lao Động của Tỉnh ủy Gia Định, tờ Giải phóng của Ban Chấp Ủy miền Đông Nam Kỳ, tờ La Lutte… Từ khi ra đời, tổ chức cơ sở Đảng ở Thủ Dầu Một đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều mặt, xây dựng được cơ sở Đảng vững chắc, phát triển thêm Đảng viên mới để chuẩn bị điều kiện lập thêm chi bộ, xây dựng được các tổ chức quần chúng bí mật, bán công khai, đưa quần chúng công nông ra đấu tranh giành lợi ích thiết thân hàng ngày, phối hợp chặt chẽ với phong trào chung.

Sự hoạt động của những đảng viên cộng sản ở Thủ Dầu Một cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi trong thời kỳ 1930-1935 khẳng định nhân dân Thủ Dầu Một trong hoàn cảnh nào cũng một lòng đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, đó còn là điều kiện, là nhân tố làm tiền đề về tổ chức để Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra đời.

Chương Hai

ĐẢNG BỘ TỈNH THỦ DẦU MỘT THÀNH LẬP VÀ LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1936-1945)

I. TỈNH ỦY THỦ DẦU MỘT ĐƯỢC THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO THẮNG LỢI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG THỜI KỲ 1936-1939

Từ cuối năm 1935 trở đi, trên địa bàn Tỉnh Thủ Dầu Một, ngoài chi bộ Bình Nhâm ra đời từ năm 1930, một loạt chi bộ mới lần lượt hình thành như chi bộ ở các làng An Thạnh, An Sơn, Tân Khánh… với khoảng 20 đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng tháng 3-1935 về công tác phát triển Đảng, đồng thời nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 2-1936, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một gồm 5 đồng chí: Trương Văn Nhâm, Nguyễn Thị Bảy là 2 cán bộ tăng cường của Xứ ủy và ba cán bộ của địa phương, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống… Đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên kiêm bí thư Tỉnh ủy.

Trong phiên họp đầu tiên của Tỉnh ủy tổ chức tại nhà ông Sáu Dài ở ấp Thạnh Lộc, Làng An Thạnh, quận Lái Thiêu (nay là xã An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) có đại diện của Xứ ủy: đồng chí Lê Thị Thinh (Lê Thị Hưởng, Hai Hưởng) đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông: đồng chí Trương Văn Bang. Hội nghị đề ra các công tác cấp bách trước mắt là ổn định tổ chức chi bộ, tổ chức và vận động quần chúng đấu tranh.

Việc thành lập Tỉnh ủy (lâm thời) vào mùa Xuân năm 1936 đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một. Từ đây, tỉnh đã có quan đầu não để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.

Tỉnh ủy (lâm thời) ra đời giữa lúc tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có những chuyển biến mới so với trước.

Trên thế giới, những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1929-1933 và tình trạng kinh tế tiêu điều ở các nước đế quốc đã làm cho những mâu thuẫn xã hội ở các nước đó càng thêm sâu sắc. Phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống chế độ tư bản tiếp tục lên cao. Để đối phó với phong trào cách mạng của dân chúng, bọn tư bản lũng đoạn ở một số nước đế quốc thủ tiêu các quyền tự do dân chủ và thi hành chính sách độc tài phát xít. Bọn phát xít Đức-Ý-Nhật liên kết thành phe “trục” có lực lượng quân sự mạnh. Chúng ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường thế giới và xâm lược Liên Xô hòng xóa bỏ thành trì cách mạng thế giới.

Trước tình hình ấy, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Mátcơva tháng 7-1935, đã chỉ rõ mục tiêu trước mắt của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới lúc này chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh phát xít xâm lược, giành dân chủ và bảo vệ hòa bình. Đảng Cộng sản các nước phải thống nhất lực lượng cách mạng, lập mặt trận nhân dân rộng rãi bao gồm các đảng phái yêu nước, dân chủ và tiến bộ, các tầng lớp nhân dân để thống nhất hành động chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là chủ nghĩa phát xít.

Sau khi có Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, trên thế giới, phong trào đấu tranh chống phát xít dâng lên mạnh mẽ. Đặc biệt là ở Pháp, Mặt trận bình dân Pháp mà Đảng Cộng sản Pháp là nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4-1936 và một chính phủ Mặt trận bình dân cầm quyền có Đảng Cộng sản Pháp tham gia (6-1936) ra đời. Chính phủ này thi hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các thuộc địa. Diễn biến mới này ở Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Trong khi đó, ở nước ta do hậu quả của khủng hoảng kinh tế và chính sách đàn áp về chính trị, vơ vét về kinh tế của chính quyền thuộc địa, các tầng lớp nhân dân kể cả giai cấp tư sản dân tộc, những địa chủ nhỏ và vừa, đều mong muốn có những sự đổi mới có tính chất dân chủ.

Đứng trước tình hình ấy, nhận rõ những đòi hỏi bức xúc của giai đoạn cách mạng mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã mở Hội nghị Trung ương lần thứ nhất ngày 26-7-1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương trong thời kỳ này là phải đứng trong Mặt trận dân chủ và hòa bình thế giới chống chủ nghĩa pháp xít và chống chiến tranh phát xít xâm lược. Hội nghị quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp” và “tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (về sau đổi là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương), tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ, đấu tranh chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là bọn phát xít và bọn phản động thuộc địa Pháp, giành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, chống phát xít xâm lược và bảo vệ hòa bình thế giới. Về hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh, Trung ương Đảng chủ trương triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tuyên truyền, tổ chức quần chúng, đồng thời cũng cố và phát triển tổ chức bí mật của Đảng, kết hợp những hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp với những hoạt động bí mật để phát triển tổ chức Đảng và tổ chức Mặt trận dân chủ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.

Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới. Xứ ủy Nam Kỳ lúc bấy giờ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã tiếp thu Nghị quyết tháng 7-1936 và các nghị quyết tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai cho các Tỉnh ủy thực hiện.

Ở Thủ Dâu Một, nghị quyết tháng 7-1936 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình cách mạng lúc bấy giờ. Ở đây, khủng hoảng kinh tế và chính sách đàn áp, vơ vét của chính quyền thuộc địa cũng đẩy nhân dân lao động vào cuộc sống lầm than.

Nông dân vùng Thủ Dầu Một cũng rất điêu đứng vì giá lúa hạ: giá 1 giạ lúc bị sụt ¼ so với mùa trước, nhưng lại phải nộp gấp đôi số lúa tô cho chủ điền và các thứ thuế thân, thuế ruộng đất cho nhà chức trách.

Nhìn chung, các tầng lớp nhân dân bị tướt đoạt trắng trợn các quyền dân sinh, dân chủ đang sôi sục tinh thần đấu tranh vì lợi ích sống còn của mình.

Đứng trước tình hình ấy và chấp hành các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Xứ ủy, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bắt đầu thực hiện chủ trương chuyển hình thức tổ chức không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, nhằm tập hợp và hướng dẫn đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó giáo dục phát triển đội ngũ cách mạng như Công hội, Nông hội, Ủy ban hành động và nhất là lập thêm chi bộ Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong năm 1936, đã nổ ra mấy chục cuộc đấu tranh với hàng ngàn lượt công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo, công chức… tham gia do các tổ chức công hội và nông hội tuyên truyền vận động. Trong đó, các cuộc đấu tranh dưới đây có tầm quan trọng hàng đầu:

1. Cuộc đấu tranh ra vào mùa xuân của nông dân trồng thuốc lá các làng: Tân Khánh, Tân Hòa, Bình Chuẩn, thuộc quận Châu Thành (nay thuộc một phần đất của huyện Tân Uyên và Thuận An) do đồng chí Hồ Văn Cống và chi bộ Tân Khánh lãnh đạo. Họ đã cùng nông dân hai tỉnh Gia Định, Chợ Lớn đấu tranh chống lại những thể lệ khắc nghiệt của chủ hãng thuốc lá tư bản ở Sài Gòn.

2. Các cuộc bãi công và đưa đơn kiến nghị của công nhân Dĩ An vào ngày Quốc tế lao động (1-5).

3. Cuộc đấu tranh của công nhân cao su các đồn điền Quản Lợi chống đánh đập hồi tháng 8.

4. Cuộc làm reo, đưa đơn đòi về quê quán vì đã mãn hạn giao kèo của 182 thợ cạo mủ ở cao su Dầu Tiếng nổ ra vào mùa thu.

Tiếp theo sau các cuộc đấu tranh này, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủ Dầu Một nô nức tham gia vào cuộc vận động tổ chức Đông Dương đại hội nhằm mục đích đòi Chính quyền phải thi hành những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho dân chúng.

Cuộc vận động được mở đầu bằng việc ông Nguyễn An Ninh, một nhà trí thức yêu nước, được sự động viên của Đảng ta, đã cho đăng trên tờ báo “Tranh đấu” (La lutte) lời hiệu triệu cổ động cho việc thành lập Ủy ban Trù bị để tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội (8-1936). Tiếp theo là việc ra đời của Ủy ban Trù bị tại một cuộc hội nghị lớn ở Sài Gòn ngày 13-8-1936 với 403 đại biểu tham gia, phần lớn là đại biểu của nhân dân lao động.

Tuy Ủy ban Trù bị có nhiều đại biểu là tư sản, nhưng với đường lối chính trị đúng đắn và thông qua những người có tư tưởng tiến bộ, Đảng ta vẫn lãnh đạo được tổ chức đó. Mặt khác, không hạn chế sự hoạt động của mình ở Ủy ban Trù bị đại hội, Đảng đã phát động đông đảo quần chúng bên dưới, chủ yếu là công nhân và nông dân, thành lập các Ủy ban Hành động ở khắp nơi trong nước.

Vào những tháng cuối năm 1936, các ủy ban hành động lần lượt ra đời trên địa bàn Thủ Dầu Một. Nổi bật nhất là ở thị xã Thủ Dầu Một, Ủy ban Hành động ở đây có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng và các nhóm đảng viên.

Danh sách Ủy ban Hành động ở làng Uyên Hưng và thị trấn Tân Uyên được công bố sớm nhất vào ngày 19-8-1936 (1). Sau đó các Ủy ban Hành động khác lần lượt ra đời ở các làng Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Quới (nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một).

Ủy ban Hành động thị xã Thủ Dầu Một (2) công bố danh sách công khai trong những ngày 20, 30 tháng Tám. Còn Ủy ban Hành động các làng các quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát và đồn điền cao su Dầu Tiếng không công bố danh sách.

Thành phần tham gia các Ủy ban Hành động bao gồm nông dân, công nhân, thợ thủ công các lò đường, lò chén, thợ mộc, thợ hớt tóc, thợ may, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo… Họ phần lớn là những người trước đây từng tham gia các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội Ái hữu, Hội tương tế… Cũng có những người chưa vào các tổ chức yêu nước lần nào.

Trụ sở làm việc của các Ủy ban Hành động thường đặt ở nhà dân với nhiều tên gọi khác nhau: Ban trị sự Hành động, Ban Lâm thời, Ủy ban Hành động. Đây là tổ chức cơ sở của Mặt Trận Dân chủ Đông Dương. Các tổ chức cơ sở này có liên lạc với tổ chức Mặt trận cấp Xứ đóng tại Sài Gòn.

Cách sinh hoạt thông thường là hội họp, cao hơn là từng đoàn hoặc nhóm hội viên viết đơn “dân nguyện” đưa lên nhà cầm quyền xin bỏ các thứ thuế hiện hành như thuế thân, thuế nhà ngói, thuế thổ cư, thuế lò heo, thuế lò đường, thuế thợ hớt tóc… đòi không đấu giá đất công điền, bỏ quản thúc người tình nghi, thả tù chính trị, cho tự do hội họp, cho xuất dương, v.v…

Cũng như ở các tỉnh, hoạt động của hầu hết các Ủy ban hành động ở Thủ Dầu Một có sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng biểu hiện dưới hai hình thức bí mật và bán công khai, thông qua hoạt động của các đảng viên. Tại Dầu Tiếng có hai đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Chiểu làm cán bộ Ban Tuyên truyền của Mặt trận Dân chủ ở cơ sở. Vùng Tân Uyên có đồng chí Trương Văn Bang, hai quận Châu Thành, Lái thiêu có các đồng chí Hồ Văn Cống và Trương Văn Nhâm… trong Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.

Ban Trị sự hành động tỉnh Thủ Dầu Một đã phát ra một tờ truyền đơn với nội dung như sau:

“Hỡi anh chị em trong các giới ở Thủ Dầu Một!

Hãy giác ngộ vì quần chúng lao khổ, đồng thanh nắm tay nhau phấn đấu với hoàn cảnh!…

Hỡi anh chị em, hãy cương quyết khảng khái, chớ sợ sệt nản lòng!

Phải biết có cải cách được sau này là do cuộc công tác hiệp nhất của ta chớ không phải do giọng ăn mày của bọn lầu cao cửa rộng.

Hỡi ai là người có chút tình yêu thương nòi giống bị lao khổ! Hãy tự đưa mình ra giúp cho quần chúng đang đói khát lầm than!

Truyền đơn cũng chỉ ra cho mọi người thấy những việc cần làm:

“Lập Ủy ban Hành động, ủng hộ Đông Dương Đại hội, thảo nguyện vọng và cử đại biểu trực tiếp với Ủy ban điều tra bên Pháp sắp qua…”

Đứng trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào, bọn cầm quyền Pháp tỏ ra rất sợ hãi. Trong một cuộc họp của Nghị viện Pháp, Mutê (Moutet) – Bộ trưởng thuộc địa đã nói như sau: “Nền tảng tổ chức xã hội ở Đông Dương là làng xóm với Ban Hội tề. Thình lình các chức việc làng thấy mọc lên 600 Ủy ban Hành động  nên họ khủng khiếp.

Ta phải nhìn nhận rằng chính phủ đã sợ hãi” (1)

Trong khi đó, bọn thực dân phản động Pháp ở Đông Dương dùng mọi thủ đoạn để đối phó. Ngay từ đầu, chúng đã cho mật thám trà trộn vào phá hoại cuộc họp thành lập Ủy ban trù bị ngày 13-8-1936 ở Sài Gòn. Rivoan, Thống đốc Nam Kỳ thông qua cho các chủ tỉnh, chủ quận một loại mẫu báo cáo in sẵn với 8 mục: ngày thành lập Ủy ban Hành động, tên họ, tiểu sử, hạnh kiểm, thành phần xã hội những người tham gia, số lượng truyền đơn đã rải… Ngày 15-9, Mutê (Moutet) gửi cho Toàn quyền Đông Dương một bức điện, yêu cầu tên này “Ngăn chặn những sự bạo động hoặc xúi giục bạo động, phải dùng nhiều biện pháp mà luật pháp đã đề ra để giữ gìn trật tự”. Ngày 18-9, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh cấm chỉ các Ủy ban Hành động hoạt động.

Đi đôi với hành động đối phó của thực dân Pháp, bọn Tờ rốt kít do Phan Văn Hùm (2) cầm đầu cũng ra sức phá hoại phong trào Đông Dương Đại hội. Chúng tung ra luận điệu là chỉ nên lập “Mặt trận vô sản” chống Pháp, đối lập với chủ trương thành lập “Mặt Trận Dân chủ” của Đảng ta nhằm chia rẽ phong trào yêu nước.

Ở Thủ Dầu Một, tên chủ tỉnh Larivierơ (La Rivière), đã tích cực thực hiện mệnh lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Hắn gửi báo cáo lên văn phòng Thống đốc Nam Kỳ hứa “sẽ giải tán hết các Ủy ban Hành động trong tỉnh” (3)

Sự đánh phá của địch đã gây ra hậu quả là các thành viên Ban trị sự và nhiều hội viên của các Ủy ban Hành động bị bắt, số còn lại cũng bị địch kiểm soát gắt gao. Tuy vậy, tổ chức này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 1936.

Cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, phong trào chuẩn bị cho Đông Dương Đại hội ở Thủ Dầu Một đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Qua phong trào, lần đầu tiên, các cán bộ đảng viên tiến hành có kết quả công tác tổ chức và hướng dẫn quần chúng đấu tranh hợp pháp tại nhiều làng và các thị trấn, thị xã… trong khi vẫn tiếp tục duy trì các tổ chức bí mật như Công hội, Nông hội cùng với các hoạt động nửa hợp pháp và bất hợp pháp. Nhiều cuộc đấu tranh thực hiện được yêu sách thiết thực, gây được phong trào “dân nguyện” mà thực chất là chiến dịch tố cáo tội ác của bọn phản động Pháp đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Tất cả những điều đó đã làm cho ảnh hưởng của Đảng tăng lên nhanh chóng ở các quận phía nam và phía bắc. Nhưng kết quả quan trọng nhất là qua phong trào, các tổ chức Đảng ở cơ sở được củng cố và phát triển mạnh.

Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới ở các quận phía nam như Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát… Kết quả là quận Châu Thành, (nay là thị xã Thủ Dầu Một) có thêm một chi bộ mới – chi bộ lò chén làng Phú Cường, gồm 5 đảng viên, trong đó có 2 nữ và một người Việt gốc Hoa; các chi bộ cũ ở Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh, Tân Khánh… đều kết nạp thêm một số đảng viên mới. Tại đồn điền cao su Dầu Tiếng, cuối 1936, thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên cũ là Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai(1), Nguyễn Văn Chiểu (công nhân sửa chữa xe hơi của xưởng) và một đảng viên mới là Đinh Công Toàn (thợ cạo mủ – dân công tra). Cũng trong thời gian này, chi bộ Đề pô xe Dĩ An cũng được tái lập.

Với những kết quả như trên, đến cuối năm 1936, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lớn mạnh, trưởng thành nhiều so với trước. Toàn Đảng bộ khi đó có hơn 30 đảng viên hoạt động, chủ yếu ở các quận Lái Thiêu, Châu Thành. Trong Đảng bộ, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên rất được coi trọng. Ngoài việc vẫn duy trì hình thức hội họp bí mật, Đảng bộ còn có thêm hình thức sinh hoạt khác là tìm đọc các báo chí cách mạng (tờ Giải phóng của Xứ ủy Nam Kỳ, tờ Dân quyền xuất bản công khai ở Sài Gòn…) và các báo chí tiến bộ (tờ Đuốc Nhà Nam, tờ Tranh đấu …). Cuộc vận động dân chủ do Đảng bộ lãnh đạo giành được những thắng lợi bước đầu. Nhà cầm quyền Pháp buộc phải thực hiện một số cải cách trên lĩnh vực kinh tế – xã hội. Tại Thủ Dầu Một, các chủ sở cao su Dầu Tiếng, Thuận Lợi… đã làm thêm nhà y tế, mở nhiều cửa hàng bán thực phẩm và hàng tạp hóa; giảm bớt đánh đập, công bố giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày, nữ công nhân nghỉ đẻ được hưởng lương… Ban hội tề ác bá các làng bớt hống hách, ức hiếp nhân dân. Có nơi, chúng mời Ban trị sự hành động đứng ra hòa giải các vụ tranh chấp của bà con trong xóm làng như ở An Thạnh, Tân Thới thuộc quận Lái Thiêu.

Những thắng lợi giành được qua cuộc vận động dân chủ nói trên càng tăng thêm uy tín của Đảng bộ. Cộng thêm vào đó, một số đảng viên trong số 1000 tù chính trị ở Côn Đảo được chính phủ Mặt trận bình dân Pháp “ân xá” trở về tỉnh tiếp tục hoạt động, đã tăng thêm sức mạnh của Đảng bộ.

Cuối năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một tổ chức một cuộc hội nghị tổng kết các mặt công tác sau gần một năm thành lập và hoạt động. Hội nghị được tổ chức tại nhà đồng chí Võ Văn Kiến (Hương giáo Kiến) thuộc ấp Thạnh Lộc, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu (nay thuộc xã An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ngoài những nội dung như đánh giá kết quả công tác trong thời gian qua, đề ra nghị án mới, Hội nghị còn đề nghị cấp ủy trên công nhận Tỉnh ủy chính thức và bầu đồng chí Hồ Văn Cống làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Trương Văn Nhâm nhận công tác khác.

Tháng 1-1937, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một được cấp trên công nhận chính thức. Sự kiện này có ý nghĩa lớn về mặt tư tưởng, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các công tác của toàn Đảng bộ.

Trước sự đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của nhân dân ta và nhân dân Pháp, chính phủ Mặt trận bình dân Pháp cử phái viên Giuýtstanh Gôđa (Justin Godart) thuộc Đảng cấp tiến của Chính phủ Pháp sang điều tra tình hình kinh tế, xã hội ở Đông Dương. Nhân dịp này, Đảng ta chủ trương tổ chức quần chúng xuống đường biểu dương lực lượng với những khẩu hiệu đòi ân xá tù chính trị, bỏ thuế thân, tự do ngôn luận, tự do nghiệp đoàn…

Tại Sài Gòn, ngày 1-1-1937, chính quyền thuộc địa tổ chức đón tiếp Gôđa tại bến tàu Nhà Rồng, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định huy động khoảng 20 ngàn lao động cũng đón tiếp Gôđa với những khẩu hiệu bằng chữ Việt, chữ Pháp: “Hoan nghênh mặt trận bình dân Pháp”, “Đại xá chính trị phạm”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Thi hành luật lao động”.

Những ngày sau, Gôđa đi tiếp xúc đại biểu công nhân, các Ban bãi công ở vài xí nghiệp, hãng thuốc lá CoTab ở Sài Gòn. Tại đây dân lao động cũng tụ họp đông đảo tổ chức mít tinh, đưa lên Gôđa những yêu sách về tự do nghiệp đoàn, tăng lương, thi hành Luật lao động.

Tin tức thời sự chính trị nóng bỏng ở Sài Gòn nhanh chóng lan truyền đến Thủ Dầu Một. Các quan chức địa phương có kế hoạch đón tiếp quan khách chính quốc. Cũng từ đó cán bộ ta sẵn sàng kế hoạch vận động quần chúng đón tiếp phái đoàn này.

Khi Gôđa đến nhà việc làng Phú Cường (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân phường Phú Cường) có 200 người tụ tập để gặp phái viên. Ban đại diện đưa yêu sách nhờ Ban hội tề chuyển giao. Họ nêu các khẩu hiệu: “Hoan nghênh Mặt trận nhân dân Pháp” và “tự do nghiệp đoàn” còn bọn tay sai của Tờrốtkít thì hô tẩy chay Gôđa và gây rối.

Ở trụ sở làng Tân Khánh, khi Gôđa đến bằng xe hơi, có lính bảo vệ đã có hàng trăm nhà nông đón tiếp. Một lão thợ xắt thuốc (thái thuốc lá) thay mặt hàng trăm người trồng thuốc lá đưa đơn cho hương cả để trao lại phái viên. Nội dung gồm những điều: tự do trồng thuốc lá không phải xin phép nhà cầm quyền, đem bán chỉ nộp thuế một lần với giá 0,25 đồng một kg, không phải nộp thuế cho chủ vựa (chủ kho hàng) và quan làng. Trong những người trực tiếp gặp Gôđa có đồng chí Hồ Văn Cống.

Tại đồn điền cao su Dầu Tiếng cách tỉnh lỵ Thủ Dầu Một 60 km về phía Bắc, trước khi Gôđa đến, chủ sở cho cai xếp hô hào công nhân làm sạch đẹp lán trại, giảm số người nằm bệnh tại nhà y tế. Chủ sở cấm biểu tình, cấm đưa kiến nghị, chỉ bố trí người phe cánh được gặp phái đoàn.

Phái viên đến đây, cùng một lúc cả hai đoàn đại diện công nhân bên chủ và bên Ủy ban hành động cũng có mặt. Bên ta có khoảng 500 anh chị am làm hậu thuẫn cho đại diện đưa đơn lên Gôđa. Nội dung nêu: đòi cải thiện chỗ ở, trị bệnh, tăng lương, làm việc 8 giờ/ ngày, hết hợp đồng được về quê cũ, tự do lập nghiệp đoàn. Trong số người tham gia đón Gôđa, có đồng chí Nguyễn Văn Chiểu, đảng viên phụ trách công tác tuyên tuyền của Công hội. Ngược lại, bên địch đại diện cho một số người của chủ sở, chỉ ca ngợi mà không đưa ra điều gì khác hơn.

Những cuộc “đón tiếp” Gôđa nói trên về thực chất là những cuộc biểu dương lực lượng quần chúng, là một dịp để nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, rèn luyện ý chí chiến đấu của họ.

Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng đang diễn ra sôi nổi, Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) trong hai ngày 13, 14-3-1937. Hội nghị đã quyết định một số chủ trương về công tác vận động quần chúng và công tác xây dựng tổ chức Đảng trong tình hình mới.

Về công tác vận động quần chúng, Nghị quyết nêu rõ: vận động rộng rãi quần chúng ủng hộ các cải cách, tiếp tục đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thân hằng ngày…, tìm cách ngăn ngừa hoặc hạn chế các hành động của bọn phát xít. Tổ chức các tầng lớp xã hội vào các hội công khai hợp pháp, không lấy tên “Công hội đỏ” hay “Nông hội đỏ” mà lấy tên công hội và nông hội, có thể lấy tên Hội ái hữu, Hội cúng tế bao gồm cả những lao động, cố, bần, trung nông.

Về công tác xây dựng tổ chức Đảng, Nghị quyết nêu bật việc kết nạp vào đảng phải chú ý những quần chúng tiên tiến trẻ, công nhân, nữ lao động, dân tộc thiểu số, nhưng phải đủ điều kiện làm đảng viên.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương mở rộng như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi.

Ở Thủ Dầu Một, cuối tháng 3-1937, Tỉnh ủy – lúc này đang hoạt động ở vùng Lái Thiêu – được đại diện của Liên Tỉnh ủy miền Đông từ Gia Định đến truyền đạt bản Thông cáo của Trung ương. Sau đó, chỉ trong 15 ngày, Nghị quyết tháng 3 của Trung ương đã được phổ biến xuống tận các chi bộ và các tổ chức Công hội, Nông hội… đạt kỷ lục thời gian nhanh nhất.

Vận dụng tinh thần thông cáo ngày 20-3-1937 của Trung ương Đảng, vào tháng 4-1937, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một cho ra bản tin lấy tên Tranh đấu để thực hiện công tác tuyên truyền trong quần chúng.

Bản tin được viết tay, in bột. Cơ sở in đặt tại nhà đồng chí Kiến, làng An Thạnh. Nội dung bài viết có nhiều loại: đưa tin về các cuộc vận động quần chúng, giải thích những chủ trương mới của Đảng, sáng tác thơ ca vạch trần tội ác của đế quốc Pháp và kêu gọi nhân dân đứng lên lập Hội và đấu tranh… Trong những người viết có các đồng chí Bùi Văn Ngữ, Hồ Văn Cống. Trong những người in và đưa báo đi các cơ sở có nữ đồng chí Lê Thị Thinh (Hai Hưởng) và chị Hồng. Tờ báo khổ 12 x 15, bốn trang, mỗi tháng ra một kỳ 30 số, có khi 50, lúc cao nhất lên tới 100 số. Về sau báo ra không đều, có khi ba tháng mới ra một kỳ do thiếu tiền, do bị mật thám và lính làng theo dõi ráo riết. Trong suốt thời gian tồn tại, tờ báo luôn nhận được sự ủng hộ, đóng góp tiền bạc của đồng bào các nơi, nhất là vùng Lái Thiêu.

Tỉnh ủy còn khuyến khích đảng viên, quần chúng đọc và ủng hộ tiền cho các báo công khai của Đảng xuất bản ở Sài Gòn: Nhân dân, Tiền Phong, Phổ Thông, Lao động mới… Vì đó là những thông tin hướng dẫn kinh nghiệm đấu tranh, giáo dục tinh thần yêu nước, góp phần đắc lực cùng công tác tuyên truyền miệng của cán bộ đảng viên đối với quảng đại quần chúng.

Vào khoảng đầu quý II năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Tiết và chi bộ Phú Cường đứng ra vận động thợ thủ công ở Phú Cường, Phú Thọ, Chánh Mỹ… làm đơn lên quận trưởng Châu Thành xin lập Hội ái hữu. Họ đưa vào pháp lý hiện tại là toàn quyền Bèrêviê đã cho lập hội và trước đây Thống đốc Nam Kỳ cũng cho lập Hội (1).

Ban quản lý Hội ái hữu Thủ Dầu Một ra đời có anh Quỳnh và anh Đờn… Hội viên lúc đầu có 36 người, sau tăng lên cả 100 người. Trụ sở đặt tại tiệm đóng giày đường Đoàn Trần Nghiệp (nay là Ngân hàng Phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương).

Tỉnh ủy phát huy kết quả và kinh nghiệm này, chỉ đạo thực hiện ở các quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Hớn Quản. Phong trào lập hội tương thân, tương ái, phát triển rầm rộ, công khai trong nông dân, thợ thủ công, công nhân, tiểu thương, vì trước đây tuy có hội nhưng hoạt động bí mật hoặc bán công khai. Nhờ vậy dấy lên nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực về cơm áo, tự do đang bị kẻ thù vi phạm.

Đi đôi với sự phát triển rầm rộ của phong trào quần chúng thông qua hoạt động của các hội, cuộc đấu tranh của công nhân cũng lên mạnh.

Mở đầu là các cuộc đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng. Ngày 1-5, 2000 người của 19 trong số 22 làng của Sở hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, đã tổ chức bãi công đòi tăng lương cho người làm việc nặng từ 40 xu/ngày lên 44xu/ngày, người làm việc nhẹ từ 32 xu lên 36 xu/ngày đòi bỏ chế độ làm 11 giờ/ngày, chỉ làm 8 giờ/ngày.

Tên chủ sở đã không chấp nhận yêu sách của anh chị em công nhân lại còn cấu kết với quận trưởng Bến Cát đưa hàng trăm lính đến đàn áp, bắn chết 5 người, bắt đi 41 người. Chúng còn đốt phá một số nhà nông dân làng Định Thành vì họ hưởng ứng cuộc đấu tranh này.

Mặc dù bị đàn áp dữ dội, nhưng anh chị em công nhân vẫn tiếp tục cuộc bãi công, 15 ngày sau chủ sở buộc phải tuyên bố nhượng bộ chấp nhận các yêu sách và yêu cầu công nhân đi làm.

Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa suông, vì vậy ngày 27-5, 1500 thợ cạo mủ, thợ cơ khí… (cả nam lẫn nữ) quyết định nghị việc đồng thời tổ chức biểu tình đòi chủ sở thực hiện các yêu sách. Ngoài ra còn cử đại biểu đi Sài Gòn yêu cầu Thanh tra lao động và nhà cầm quyền can thiệp. Cuộc đấu tranh cuối cùng đã thu được kết quả, chủ sở phải thực hiện các điều đã hứa.

Tiếp sau cuộc đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng, ngày 9-7-1937, 400 công nhân xe lửa ở Dĩ An đã tiến hành bãi công hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh) nỗ ra ngày 3-7. Họ cũng cử 2 đại biểu Hội ái hữu Dĩ An xuống Sài Gòn cùng với 4 đại biểu của Sài Gòn thay mặt cho 1200 công nhân đường sắt Nam Kỳ đến gặp Chánh kỹ sư hỏa xa và Thanh tra lao động đưa 8 điểm yêu cầu. Bọn cầm quyền Pháp đáp lại bằng đáp áp. Chúng bắt một số đại biểu rồi đưa ra xử tại Tòa án Sài Gòn với tội danh là cầm đầu đấu tranh. Nhưng hành động đàn áp này của chúng không khuất phục được anh chị em công nhân. Tại nhà máy, 400 công nhân vẫn tiếp tục bãi công. Ngày 14-7, họ cử đại biểu lên gặp chủ đềpô đưa bản kiến nghị 7 điểm:

– Không đánh đập, cúp phạt lương.

– Ốm đau phải có thuốc trị.

– 10 ngày nghỉ trong năm được hưởng lương.

– Sửa cầu tiêu, làm nhà vệ sinh và có nước chín uống khi làm việc.

– Dụng cụ đồ nghề hư gãy, không phải đền tiền.

– Thi hành “Luật lao động 8 giờ”, không làm 19 giờ/ngày.

– Tự do lập nghiệp đoàn.

Cuộc đấu tranh của công nhân xe lửa Dĩ An được các tổ chức nông hội và bà con nông dân ở các làng Bình An, An Bình, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp, cũng như các Hội ái hữu của một số xí nghiệp thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn quyên góp tiền gạo ủng hộ. Sự chi viện thắm thiết tình đoàn kết chiến đấu và tinh thần hữu ái giai cấp này đã tạo điều kiện cho việc kéo dài ngày bãi công. Trong khi đó, bọn Tờrốtkít trong nhà máy và ở quận Thủ Đức bắt tay nhau ra sức phá hoại bằng cách đưa ra khẩu hiệu quá tả như đòi tăng lương 30% và gây khiêu khích tạo cớ cho Pháp tiến hành khủng bố, nhưng bọn chúng đã thất bại. Chi bộ nhà máy do đồng chí Nguyễn Văn Mao làm Bí thư đã kiên quyết vạch mặt bọn phá hoại.

Ngày 10-8-1937, cuộc bãi công kết thúc thắng lợi, sau 33 ngày kiên trì giữ vững cuộc đấu tranh. Chủ nhà máy đã chấp nhận một số lớn các yêu sách như làm nhà vệ sinh, cho nước chín uống đầy đủ, dụng cụ hư hỏng không đền tiền, làm việc 8 giờ/ngày.

Sau những cuộc đấu tranh của công nhân tại Dĩ An, địch tổ chức khủng bố mạnh, bắt cán bộ, đảng viên, cộng sản, cán bộ Công hội và nhiều công nhân. Từ tháng tháng 09-1937, chi bộ đềpô xe lửa Dĩ An lại tan vỡ (1). Bọn Tờrốtkít có cơ hội dấy lên luận điệu chống chủ trương của Đảng Cộng sản, gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng ở khu vực này.

Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng tiếp tục phát triển mạnh, ngày 15-8-1937, tại xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng đến Xứ ủy, có các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Thị Minh Khai… tham dự. Hội nghị phân tích tình hình thế giới, trong nước, đã nêu lên những thành tích trong công tác của Đảng và những khuyết nhược điểm, đề ra những chủ trương và những nhiệm vụ cần kíp về xây dựng Đảng, tổ chức các Hội quần chúng, về Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương, về chống phátxít và chống chiến tranh đế quốc…

Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tiếp thu và vận dụng vào thực tế tinh thần Nghị quyết tháng 8, nhất là việc đấu tranh chống chủ nghĩa Tờrốtkít.

Ngày 8-10-1937, Ban Quản trị Hội ái hữu thợ mộc Lái Thiêu vận động 250 hội viên làm đơn gửi lên các chủ trại đòi tăng lương 20%, đòi được cứu trợ khi bị tai nạn lao động. Đây là lần đầu tiên tổ chức của người thợ mộc độc lập đấu tranh.

Trong quý III năm 1937, theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Bùi Văn Ngữ – xứ ủy viên đã cùng Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ba lần tổ chức tranh luận trực tiếp với nhóm Tờrốtkít ở Sài Gòn (1) lên tại nhà của hương cả làng An Thạnh và nhà của một nông dân làng Bình Nhâm quận lái Thiêu. Cuộc tranh luận xoay quanh các vấn đề về tính chất Đảng Cộng sản Đông Dương, về liên minh công nông, về Mặt trận nhân dân Đông Dương, về Hội ái hữu và nghiệp đoàn. Qua tranh luận, các lập luận của bọn Tờrốtkít bị vạch mặt là tay sai của chủ nghĩa phát xít.

Tại Dĩ An, (lúc này Dĩ An thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định) bọn Tờrốtkít được nhóm Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch… ở Sài Gòn nâng đỡ và nhóm đảng viên Đại Việt, Quốc dân đảng đồng tình, ra sức lôi kéo công nhân xe lửa, nông dân các làng, số công chức ở thị trấn, nhằm tranh giành quần chúng với chi bộ nhà máy và quận ủy Thủ Đức, phá hoại hoạt động của Hội ái hữu. Chi bộ Dĩ An đã tranh luận quyết liệt và đối phó bằng nhiều biện pháp, làm thất bại mưu đồ của bọn này.

Vào đầu năm 1938, nguy cơ phát xít và chiến tranh đế quốc càng nổi rõ, tình hình chính trị ở Pháp phát triển xấu, bọn phản động thuộc địa ở Đông Dương thẳng tay khủng bố phong trào cách mạng.

Trước tình hình đó ngày 29 và 30-3-1938, cũng tại xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở Hội nghị mở rộng lần thứ tư, có các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diễu dự. Hội nghị đã phân tích chính sách cai trị của chính quyền thuộc địa ở Đông Dương và thái độ của các đảng phái, đánh giá về công tác xây dựng Đảng và phong trào quần chúng, quyết định lập Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương và coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại. Hội nghị cũng đề ra phương pháp tổ chức quần chúng. Về xây dựng Đảng, Hội nghị quyết định phải củng cố cơ sở, nêu rõ phải chú trọng phát triển cơ sở Đảng ở thành phố, đồn điền và các vùng kỹ nghệ tập trung, nêu ra những nguyên tắc để giải quyết mối quan hệ giữa công tác bí mật và công tác công khai. Hội nghị đã phê phán bệnh tả khuynh, cô độc, hẹp hòi cũng như những lệch lạc hữu khuynh coi thường bọn Tờrốtkít và hợp tác vô nguyên tắc với bọn Tờrốtkít.

Để quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng, tháng 5-1938, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một họp Hội nghị mở rộng đến bí thư chi bộ cũng tại nhà đồng chí Kiến (giáo Kiến) làng An Thạnh. Hội nghị đã nghiên cứu Nghị quyết, kiểm điểm tình hình năm qua và đề ra công tác mới.

Về kiểm điểm tình hình năm qua, Hội nghị biểu dương thành tích đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, thợ thủ công và nhân dân trong cao trào ái hữu và nghiệp đoàn, đồng thời nghiêm khắc vạch ra mặt hạn chế là chưa quan tâm đúng mức đến công tác nông hội, không lập ra tổ chức Hội phụ nữ, Hội thanh niên, khiến cho vùng nông thôn ít có cuộc đấu tranh để phối hợp với vùng thị trấn, thị xã như những năm trước.

Về công tác mới, Hội nghị nhấn mạnh việc đồng thời tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân qua các tổ chức Hội ái hữu, Nghiệp đoàn về Nông hội, lập thêm Hội phụ nữ, Hội thanh niên ở những nơi phong trào quần chúng mạnh rồi phát triển dần sang nơi khác. Hội nghị đề ra yêu cầu là phải làm cho đảng viên và quần chúng thấy rõ bộ mặt phản động của địch và bọn Tờrốtkít, tiếp tục đấu tranh bằng các hình thức công khai và bán công khai kết hợp với phương thức bí mật và nửa bí mật.

Nhân kỷ niệm ngày quốc tế Lao động 1-5, Đảng ta phát động một phong trào đấu tranh sôi nổi trong phạm vi cả nước. Phong trào diễn ra công khai, sôi nổi nhất chưa từng có so với nhiều năm trước đây như ở Sài Gòn, Hà Nội. Trên địa bàn Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An cũng hưởng ứng tích cực, sôi nổi nhất là ở Đề pô xe lửa Dĩ An.

Tại Dĩ An, nhân sự kiện một công nhân thợ nguội bị bọn gácdan đánh trọng thương, ngày 1-51938 chi bộ Dĩ An đã phát động một cuộc biểu tình phản đối có hàng trăm công nhân tham gia.

Anh Thân Trọng Cát, đại diện cho Công hội đến gặp chủ nhà máy đưa bản kiến nghị gồm 3 điểm:

– Không đánh thợ, đuổi ngay kẻ hành hung ra khỏi nhà máy.

– Không cúp phạt bằng trừ tiền lương.

– Thi hành luật lao động.

Trước khí thế đấu tranh sục sôi của anh chị em công nhân tên chủ nhà máy buộc lòng phải chấp nhận yêu sách và đưa tên gácdan côn đồ rời khỏi nhà máy.

Qua cuộc đấu tranh này, chi bộ xét kết nạp vào Đảng một số công nhân ưu tú đã có tinh thần đấu tranh dũng cảm như Thân Trọng Cát, Nguyễn Côn, Bùi Công Dưng…

Cùng với Dĩ An, trong ngày Quốc tế lao động 1-5, nhiều nơi trên đất Thủ Dầu Một đều tổ chức kỷ niệm với các hình thức khác nhau như Sở Dầu Tiếng, đồn điền Thuận Lợi, các thị trấn Lái Thiêu và Tân Uyên, thị xã Thủ Dầu Một …

Cũng như trên toàn cõi Việt Nam, lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1938 ở Thủ Dầu Một đã biến thành những cuộc biểu tình, đấu tranh, biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động với qui mô lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ. Đây là bước trưởng thành về nghệ thuật tổ chức các hoạt động công khai của toàn Đảng bộ.

Vào đầu tháng 8-1938, chi bộ nhà máy Dĩ An lại quyết định phát động một cuộc đấu tranh mới, nhưng do kế hoạch bị lộ, bọn cầm quyền Pháp huy động ba xe chở đầy lính đến bao vây và ngăn chặn, nên không tiến hành ngay được. Và để hạn chế bớt tổn thất, chi bộ đã phân công một số đảng viên, nữ hội viên Hội tương tế, lão hội viên Nông hội làm công tác binh vận. Việc làm này đạt được kết quả tốt là một số anh em binh lính hứa sẽ không đánh đập bà con và công nhân, do đó ngày 9-8-1938, dưới sự chỉ đạo và tổ chức của chi bộ, hơn 100 công nhân tiến hành bãi công, xếp hàng kéo đến Văn phòng chủ Đề pô, cán bộ công hội vào đưa bản kiến nghị 5 điều, trong đó ngoài những yêu sách cũ, còn có thêm một số điểm mới như: nghỉ phép hàng năm có lương, đau ốm nằm nhà thương có lương, học nghề trên 6 tháng có lương.

Bọn chỉ huy hò hét ra lệnh cho lính đàn áp, nhưng không có hiệu lực vì nhiều người không tuân lệnh. Cuối cùng, chủ nhà máy buộc phải chấp nhận đáp ứng các nguyện vọng của công nhân.

Trong tháng 8-1938, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chỉ đạo các chi bộ Lái Thiêu và Phú Cường tiếp tục đòi nhà cầm quyền cho lập Ủy ban sáng xuất nghiệp đoàn (Ban Công đoàn) và đẩy mạnh việc liên kết đấu tranh với nông dân.

Hỗ trợ công tác này có vai trò tích cực với đồng chí Văn Công Khai và Mai Huỳnh Hoa với tư cách là cán bộ công đoàn ở Sài Gòn và thành viên cổ động trong thợ thủ công ở Lái Thiêu, Phú Cường và công nhân Dầu Tiếng đòi lập “Ủy ban sáng xuất nghiệp đoàn” hoặc “Ủy ban đại biểu công nhân”. Đồng thời còn có cán bộ biên tập báo Lao động, báo Tiền phong, Dương Trí Phú, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Lộng (Chùa) cũng đến vài nơi ở Thủ Dầu Một để lấy tin tức viết bài đăng lên báo công khai ở Sài Gòn.

Vào cuối tháng 8-1938, cuộc bãi công kéo dài một tuần lễ của nhiều thợ thủ công ở Lái Thiêu, Phú Cường, Phú Thọ… Họ viết yêu sách thành khẩu hiệu dán ở các nơi sản xuất: “thủ tiêu chế độ làm khoán” và “định mức lương tối thiểu”. Các chủ lò đường, lò chén, lò chai, trại mộc, tiệm hớt tóc chấp nhận yêu sách vì sợ công nhân nghỉ dài ngày bị thua lỗ nhiều hơn.

Tiếp theo, ngày 27-9-1938, các chi bộ vận động hàng trăm nông dân các làng Tân Khánh, Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh kéo đến trụ sở Ban Hội tề đòi hoãn thế, đòi giảm địa tô…

Tại Phú Cường, ngày 29-11-1938 thành lập nghiệp đoàn và vận động hàng trăm thợ cùng anh em xe thổ mộ đòi chủ: Thủ tiêu chế độ làm khoán, mỗi tháng phát lương 3 kỳ, thi hành luật lao động. Cuộc bãi công kéo dài suốt 7 ngày mới kết thúc. Lần này có anh em thổ mộ Chợ Thủ tham gia đấu tranh là nhằm hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban sáng kiến xe thổ mộ Chợ Lớn, kêu gọi lập Hội ái hữu giúp nhau trong nghề nghiệp, trong cảnh nguy nan.

Ở Lộc Ninh, Hớn Quản đang có đồng chí Lê Văn Khương là cán bộ của Ban Đặc ủy phụ trách các đồn điền cao su do Xứ ủy cử đến hoạt động. Qua một thời gian gầy dựng, Hội ái hữu trong công nhân Lộc Ninh đã có tác dụng làm hạt nhân đoàn kết đưa anh em đi đấu tranh từ thấp lên cao.

Ngày 21-12-1938, tại Lộc Ninh thuộc công ty Xét xô, có đến 300 công nhân bãi công biểu tình. Ban đại diện đưa yêu sách lên chủ sở đòi tăng lương, làm việc 8 giờ/ngày, giảm phần cạo lót từ 400 cây còn 350 cây/ngày. Công nhân bị bệnh phải có thuốc uống. Họ còn hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp giành thắng lợi” để bày tỏ thiện chí với nhân dân tiến bộ ở nước Pháp. Chủ tư bản Đờlalăng tỏ thái độ ngoan cố đưa lính đến đáp áp đoàn biểu tình trước văn phòng chánh chủ sở. Bên ta chống lại bằng tay không và kiên trì trụ lại, chủ sở buộc phải chịu nhận 3 điều, còn lại 1 điều khoản về công nhân bị bệnh phải có thuốc uống thì lờ đi.

Đầu năm 1939, phe phátxít Đức, Ý gây chiến, Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ ở châu Âu. Nước Pháp do Đalađiê, đảng viên thuộc phái hữu đảng cấp tiến, lên cầm quyền càng đi sâu vào chính sách phản động về đối nội và đối ngoại. Ngày 16-11-1938, Đalađiê đã ban hành những đạo luật đặc biệt nhằm tăng thuế gián tiếp và trực tiếp, hủy bỏ chế độ tuần lễ làm việc 40 giờ. Ngày 10-4-1939, toàn quyền Đông Dương Catờru (Catroux) (1939-1940) ra nghị định tăng giờ làm việc của công nhân từ 60 lên 72 giờ mỗi tuần, giảm tiền lương. Một số công nhân bị sa thải, một số thanh niên bị động viên đi lính đưa sang Pháp… Phát xít Nhật đẩy mạnh kế hoạch quân sự xâm nhập vào 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhân cơ hội này, toàn quyền Đông Dương ra lệnh huy động lực lượng nhằm phòng thủ Đông Dương. Pháp tăng cường chống Cộng sản Đông Dương, chống phong trào đòi tự do, dân chủ, bắt giam nhiều người yêu nước, trong đó có các biên tập báo Dân Chúng (1) gây làn sóng phản đối của quần chúng ở khắp nơi.

Nhận định tình hình mới, Trung ương Đảng đề ra những nhiệm vụ mới qua thông báo khẩn cấp ngày 10-3-1939 và tuyên ngôn 28-3-1939 làm cơ sở ban đầu cho toàn Đảng thực hiện.

Nội dung bao gồm các vấn đề: Phân tích tình thế toàn cầu và Đông Dương chỉ rõ hiểm họa phát xít đến gần, Đảng kêu gọi nhân dân thống nhất hành động, chống khủng bố, đòi tự do, dân chủ, đòi cải thiện đời sống, đòi thả hết chính trị phạm và các biên tập báo Dân Chúng vừa bị bắt. Đảng yêu cầu cán bộ đảng viên cần tránh tả khuynh, đề phòng bị địch khiêu khích, không nhượng bộ, muốn vậy phải nắm chắc đường lối đấu tranh của Đảng là đoàn kết các tầng lớp nhân dân vào Mặt trận dân chủ, tập trung sức mạnh chống bọn phản động, bọn phát xít, bè lũ tay sai.

Tiếp thu chỉ đạo của Trung ương, tháng 4-1939, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một họp hội nghị mở rộng do đồng chí Hồ Văn Cống – bí thư, chủ trì, để bàn biện pháp thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp do Trung ương nêu ra. Hội nghị đã quyết định nhiều biện pháp trong đó nhấn mạnh vừa phát động quần chúng các quận phía nam đấu tranh, vừa tăng cường công tác công vận ở các đồn điền cao su phía bắc. Sau Hội nghị, nhiệm vụ công tác ở phía bắc được giao cho hai đồng chí Nguyễn Văn Tiết và Văn Công Khai là cán bộ Đảng, quê ở tỉnh Thủ Dầu Một đang hoạt động ở Sài Gòn. Hai đồng chí này lấy chi bộ và công nhân Dầu Tiếng làm chỗ dựa chủ yếu, làm địa bàn đứng chân để phát triển sang các nơi khác. Kết quả bước đầu trong năm 1939 là mới xây dựng được cơ sở quần chúng nồng cốt ở các đồn điền Thuận Lợi (Phú Riềng cũ) và Quản Lợi, chưa có cuộc đấu tranh nào lớn, chỉ có hình thức làm reo lẻ tẻ ở một số công ty cao su. Thực trạng đó kéo dài đến mấy năm sau mới có chuyển biến.

Được sự hướng dẫn và chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy, hơn 500 thợ thủ công và nông dân, 300 chị em tiểu thương ở thị xã Thủ Dầu Một, các quận Lái Thiêu, Tân Uyên đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1939 dưới nhiều hình thức, biến kỷ biệm thành cuộc mít tinh với các khẩu hiệu: Ban hành các quyền tự do dân chủ, ban bố quyền tự do nghiệp đoàn, giảm tô cho nông dân. Nông dân khai phá đất hoang được quyền sở hữu, giảm thuế môn bài cho tiểu thương, chống khủng bố, chống bắt lính…

Vấn đề chống bắt lính trở thành phong trào sôi động nhất trong nhân dân. Vì trước đó Chánh Tham biện Thủ Dầu Một đã có tờ “Yết thị tuyên bố động binh”. Lệnh này thực thi với kết quả khoảng 20.000 người “lính lưu hậu cơ binh” đã gọi lại để bổ sung vào quân đội Pháp đang phòng thủ ở các thành Phú Hòa, Săng Đá, ở các đồn bót dọc biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp… Họ là lính, Hạ sĩ quan mãn hạn, nay bị tái đăng. Họ là con em nhà nông, thợ thủ công, dân lao động, nên các gia đình này rất đồng tình với khẩu hiệu của Đảng ta đề ra “chống bắt lính” và “chống chiến tranh” mà phản động Pháp đang giương cao.

Một thực tại quan trọng khác là sự hiện diện của Miếu Tử Trận(1) tại Thủ Dầu Một đang tác động mạnh mẽ vào nhận thức của thân nhân lính tái đăng, càng làm cho mọi người hăng hái tham gia đấu tranh.

Ngày 23-6-1939, 500 công nhân xe lửa Dĩ An lại tiến hành bãi công đòi chủ tăng lương, xóa bỏ cúp phạt bằng lương, nằm nhà thương không trừ lương, đồng thời nêu khẩu hiệu chính trị “chống chiến tranh, chống phát xít”. Qua phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An trong thời kỳ này, nhiều quần chúng ưu tú xuất hiện và lần lượt được kết nạp vào Đảng, trong đó có các đồng chí: Ký, Chờ, Quý, Sum… đưa tổng số Đảng viên của chi bộ lên 20 người.

Trong cao trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 Đảng bộ Thủ Dầu Một vừa ra đời đã nhận lấy vai trò trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương trong một thời kỳ rất sôi  động và đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc.

Trong cao trào này, Đảng bộ Thủ Dầu Một rất coi trọng công tác tuyên truyền tư tưởng Mác-Lênin và các chủ trương của Đảng không chỉ trong nội bộ mà cả ngoài quần chúng rộng rãi, mạnh dạn dùng các hình thức tuyên truyền công khai, hợp pháp qua sách báo, diễn thuyết và các cuộc tranh luận với nhóm Tờrốtkít … Nhờ đó uy tín của Đảng trong nhân dân được nâng cao. Nhân dân ngày càng thấy rõ Đảng Cộng sản là một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc.

Một ưu điểm khác của Đảng bộ là trong đấu tranh đã nêu những khẩu hiệu thiết thực đến đời sống hàng ngày của các tầng lớp xã hội, nhất là các quyền tự do dân chủ, nhờ đó đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Trong cao trào đấu tranh, nhân dân trong tỉnh, nhất là công nhân và nông dân ngày càng biểu lộ ý thức tự giác đi theo đường lối chủ trương của Đảng và ý thức liên minh giai cấp. Tất nhiên bên cạnh vẫn còn hiện tượng tổ chức quần chúng chưa tốt ở một số nơi. Thêm vào đó là nhiều vùng chưa có phong trào vì thiếu lực lượng nồng cốt là đảng viên.

Đặc biệt qua việc lãnh đạo phong trào, uy tín và ảnh hưởng của Đảng bộ ngày càng thấm sâu vào tâm trí nhân dân trong tỉnh. Toàn Đảng bộ có 9 chi bộ, cộng với 2 chi bộ ở Tân Uyên thuộc Đảng bộ Biên Hòa và 2 chi bộ ở Dầu Tiếng và Dĩ An thuộc Đảng bộ tỉnh Gia Định. Trong số 13 chi bộ, có 2 chi bộ hoạt động trong công nhân, 2 chi bộ hoạt động trong thợ thủ công, 9 chi bộ hoạt động trong nông dân và  nhân dân lao động, phần lớn tập trung ở phía nam, chỉ có 1 chi bộ ở phía bắc, chưa có cơ sở Đảng trong vùng đồng bào dân tộc.

Cũng cần nói thêm là trong thời kỳ này các chi bộ đều tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Tuy nhiên thành quả đạt được không đều. Chi bộ Dĩ An tuy bị địch phá rã đến lần thứ ba nhưng vẫn lập lại được, tiếp tục lãnh đạo, dẫn dắt phong trào tại cơ sở đấu tranh với địch.

Nhìn chung, trong cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã trưởng thành nhanh chóng về các mặt tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động, kết hợp giữa đấu tranh hợp pháp và đấu tranh không hợp pháp, không đơn thuần đấu tranh hợp pháp, không thủ tiêu hoạt động bí mật, trong lãnh đạo đấu tranh đã quán triệt quan điểm toàn diện, giữ được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa phong trào ở thị xã, thị trấn với phong trào ở nông thôn, lấy thị xã, thị trấn và vùng công nhân làm trọng điểm nhưng vẫn quan tâm đến việc xây dựng và phát động đấu tranh ở vùng nông thôn. Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã góp phần xứng đáng vào phong trào chung của cả nước. Những diễn biến của các cuộc đấu tranh trong những năm 1936-1939 thực sự là những ngày hội của quần chúng cách mạng trong tỉnh, làm tiền đề cho cao trào cách mạng giải phóng dân tộc trong những năm tiếp theo.

II. ĐẢNG BỘ THỦ DẦU MỘT LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THAM GIA KHỞI NGHĨA NAM KỲ, TIẾN TỚI TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1940-1945)

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ở Đông Dương, thực dân Pháp ban bố lệnh tổng động viên, ra sức bắt người cướp của tại chỗ để cung cấp cho chiến tranh đế quốc của chúng, đồng thời ra tay đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Tại Sài Gòn, sau khi đã bắt đồng chí Hà Huy Tập (tháng 5-1938), chúng lại bắt đồng chí Lê Hồng Phong (tháng 6-1939). Nhiều đồng chí khác và quần chúng cảm tình của Đảng cũng lần lượt bị chúng bắt.

Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ thị cho các cơ quan và cán bộ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp phải mau lẹ rút vào bí mật để tiến hành công tác, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị.

Tiếp đó từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11-1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại nhà ông Trần Văn Hy, ấp Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Hội nghị nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra khẩu hiệu chống địa tô cao, chống cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản động chia cho dân cày. Để tập trung lực lượng đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai, Hội nghị chủ trương lập “Mặt Trận Dân Tộc thống nhất phản đế Đông Dương”, trong đó lực lượng chính là công nhân và nông dân liên minh hoặc tập họp giai cấp tư sản bản xứ và trung, tiểu địa chủ, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Hội nghị vạch rõ chiến tranh đế quốc sẽ tạo ra thời cơ cho cuộc cách mạng ở Đông Dương bùng nổ, nhiệm vụ của Đảng là phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bạo động giành chính quyền khi thời cơ đến.

Về các hình thức đấu tranh, Hội nghị nêu rõ cần được thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ mới và chuẩn bị bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc, song phải hết sức tránh những cuộc tranh đấu non, tranh đấu không phương pháp, không chuẩn bị.

Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng đã đánh dấu một sự chuyển hướng đúng đắn về chỉ đạo chiến lược, đánh giá một cách toàn diện vấn đề dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc, coi phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới, đã giải quyết đúng những vấn đề chiến lược và phương pháp cách mạng nhằm đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai. Do đó nó đã mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 3-1940, đồng chí Võ Văn Tần, Ủy viên Trung ương Đảng kiêm Bí thứ Xứ ủy Nam Kỳ và các Xứ ủy viên khác phổ biến Nghị quyết đến các Tỉnh ủy và Thành ủy. Từ đó tinh thần Nghị quyết được thấm xuống tận các cơ sở Đảng và quần chúng.

Lúc này, mặc dù bị khủng bố ác liệt, nhiều đồng chí ủy viên Trung ương và Xứ ủy đã bị bắt(1), song các tổ chức cơ sở Đảng, cácTỉnh ủy và Thành ủy, trong đó có Tỉnh ủy Thủ Dầu Một vẫn tồn tại. Ở Thủ Dầu Một cũng như ở các tỉnh, sách báo và truyền đơn của Đảng vẫn được lưu hành và phổ biến rộng rải, các đội tuyên truyền vẫn thâm nhập vào quần chúng giải thích tinh thần Nghị quyết 6 của Trung ương, đặc biệt là phong trào chống bắt lính nổ ra sôi nổi và rộng khắp cùng với những đợt tuyên truyền cổ động binh lính chống chiến tranh và ủng hộ cách mạng được tổ chức ở nhiều nơi.

Từ ngày 21 đến 27- 7-1940, Hội nghị Xứ ủy mở rộng đến các tỉnh ủy, thành ủy, do đồng chí Tạ Uyên chủ trì. Tham dự có đồng chí Phan Đăng Lưu, ủy viên Trung ương Đảng và 24 đại biểu của 19/21 tỉnh, thành, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống (Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một). Địa điểm tại xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Sau những ngày thảo luận, Hội nghị nhận định: từ tháng 3-1940 trở đi, tuy bị địch khủng bố gắt gao, nhưng phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh đã xây dựng được hai lực lượng: lực lượng bán võ trang ấp xã và đoàn thể phản đế. Trong mỗi tỉnh đều có nơi mạnh, nơi yếu nhưng nhìn chung cả Nam Kỳ, đảng viên và quần chúng cách mạng đều tỏ ra hăng hái đấu tranh, thậm chí còn muốn chuẩn bị bạo động. Hội nghị chủ trương khởi nghĩa, thông qua kế hoạch khởi nghĩa và thành lập Ban khởi nghĩa của Xứ ủy và Ban quân sự các cấp. Hội nghị bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ  ủy.

Hội nghị cũng đưa ra ý kiến và nguyên tắc khởi nghĩa là phải được chuẩn bị đầy đủ, phải có quyết tâm cao độ, không thể đùa với khởi nghĩa, không đưa quần chúng đến hy sinh vô ích. Và điều tối trọng là phải xin ý kiến của Trung Ương mới được thi hành. Do đó Hội nghị đã nhất trí cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc dự Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng và xin chỉ thị của Trung ương về chủ trương khởi nghĩa, trong khi vẫn chuẩn bị sẵn sàng theo kế hoạch.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, tỉnh Thủ Dầu Một cũng như các tỉnh thành khác ở Nam Kỳ đều lập Ban khởi nghĩa, đẩy mạnh công tác tổ chức các đội vũ trang, rèn đúc và mua sắm vũ khí, luyện tập võ nghệ và quân sự, đẩy mạnh công tác vận động binh lính địch…

Trưởng Ban chỉ đạo khởi nghĩa của Thủ Dầu Một do đồng chí Hồ Văn Cống, Bí thư Tỉnh ủy phụ trách. Đồng chí Cao Thị Lình, đảng viên làng An Thạnh được giao nhiệm vụ liên lạc giữa Ban khởi nghĩa Tỉnh với Liên Tỉnh ủy miền Đông và các chi bộ Đảng. Đồng chí Lưu Hồng Thoại làm liên lạc giữa chi bộ làng An Sơn với Ban khởi nghĩa tỉnh và chi bộ làng Bình Lý, quận Hóc Môn (Gia Định)… Toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đều nêu cao quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ được phân công trên địa bàn ở các làng. Hội viên trong các đoàn thể phản đế sẵn sàng tư thế đi đấu tranh. Đội tự vệ vũ trang hai làng Thuận Giao và Tân Khánh do bí thư chi bộ trực tiếp điều hành được giao nhiệm vụ bảo vệ tại cơ sở. Ngoài ra, còn một bộ phận làm công tác binh vận do đồng chí Hồng phụ trách có nhiệm vụ vận động một số binh sĩ tiến bộ ở thành Săn Đá nhận lời sẽ chống lệnh điều đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Đồng chí Hồng còn được đồng chí Nguyễn Hữu Hạnh bí thư Thành ủy Sài Gòn bàn giao một danh sách từ trại lính Ô Ma chuyển đến Thành Săn Đá trước ngày 21-11-1940. Như vậy, ta có hai nhóm binh sĩ yêu nước đang đóng quân trong thành này sẵn sàng hành động chống đi khủng bố.

Sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy, Ban chỉ đạo Tỉnh ủy Thủ Dầu Một khẩn trương chấp hành theo phương án đã định: Lấy quận Lái Thiêu làm trọng điểm, chọn làng Thuận Giao làm điểm mở đầu phát động cho các làng khác nối tiếp trong cuộc khởi nghĩa này.

Vào lúc 19 giờ, ngày 23-11-1940, Ban chỉ đạo khởi nghĩa của Tỉnh ủy tổ chức một cuộc mít tinh tại địa điểm chùa Long Giao ấp Bình Giao, làng Thuận Giao, quận Lái Thiêu (nay huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Tham dự cuộc mít tinh có hàng trăm người là cán bộ, hội viên trong tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên phản đế: Hai Hồi, Ba Sườn (làng Thuận Giao), Hai Đìa, Năm Khá, Tám Tê (làng An Thạnh, Mai Văn Sườn, Thời Thanh (làng Tân Thới), thầy giáo Võ Văn Đợi (Võ Minh Đức), Yết Ma Châu Văn Hòa (Huề)… Cán bộ, đảng viên như: Nguyễn Văn Đò bí thư chi bộ làng Thuận Giao, Đinh Văn Sang bí thư chi bộ làng Bình Nhâm, Trần Văn Bằng Bí thư chi bộ làng An Thạnh. Các đồng chí Trần Văn Mân (làng Bình Nhâm), Cao Thị Lình, Võ Văn Kiến, Năm Cờ (làng An Thạnh)…

Bảo vệ cuộc mít tinh có đội tự vệ bán vũ trang khoảng 10 người được trang bị 2 khẩu súng trường do binh vận mà có và gươm, giáo, gậy tầm vông.

Trong cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết thay mặt Ban chỉ đạo khởi nghĩa kêu gọi đồng bào hãy đồng tâm hiệp lực đứng lên chống Pháp, bọn tay sai ác bá, chống chiến tranh, giành lấy quyền tự do, dân chủ… Mọi người có mặt đồng thanh ủng hộ và bày tỏ quyết tâm thực hiện lời kêu gọi trong những ngày sắp tới cùng với nhân dân toàn Xứ.

Từ sau cuộc mít tinh tại Thuận Giao, ta đồng loạt nổi dậy phá hoại an ninh, trật tự chính quyền địa phương của địch ở nhiều làng Thuận Giao, An Sơn, An Thạnh, Bình Hòa, Bình Nhâm, Tân Thới.

Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên xuất hiện ở làng Thuận Giao, trụ sở nhà dây thép (bưu điện) quận Lái Thiêu, làng An Sơn… Tại An Sơn còn treo cờ đỏ búa liềm trước nhà dân, trong tiệm quán.

Nhiều truyền đơn, khẩu hiệu chống chiến tranh, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng… được hội viên phản đế dán khắp nơi. Tại làng An Sơn, theo sự hướng dẫn của ông Phạm Thừa Vĩnh, chị Lưu Thị Hồng Thoại đem truyền đơn phân phát cho nhiều người để tung ra chỗ đông người qua lại.

Các hội viên phản đế ở xóm ấp họp bà con cô bác làm bản kiến nghị bãi bỏ thuế, chống bắt lính, không đi làm xâu cho nhà binh ở Cần Lê (quận Bến Cát). Hoạt động này có nhóm quần chúng ở chợ Lái Thiêu: Trần Trang, Bảy Yên, Thới Thanh. Nhóm khác ở làng An Sơn có: Bảy Hôn, Ba Là, Ba Luyến, Tư An. Cũng tại An Sơn, ấp An Quới trong vườn cây măng cụt có nhà bà Bảy Nghiêu và ông Chín Khóm là hai điểm tụ hội dân chúng đến dự mít tinh, vạch tội ác bọn hội tề. Chi bộ An Sơn còn tổ chức một bộ phận đồng bào trong làng kéo nhau qua làng Bình Lý cùng nhân dân đi khởi nghĩa ở quận Hóc Môn.

Tại làng Tân Khánh, nhân dân chặt cây ngã xuống cản đường không cho xe địch vào làng. Ban đêm, đội tự vệ đi lùng bắt bọn tề ác ôn. Tiếng tù và, tiếng mõ tre của dân đánh liên hồi để uy hiếp tinh thần địch, cổ vũ tinh thần ta. Ban ngày, hàng đoàn nông dân trồng thuốc lá kéo đến trụ sở Ban hội tề đòi giảm thuế. Cuộc đấu tranh này đã kéo theo đồng bào ở các làng ở Tân Vĩnh Hiệp, Tân Long… cùng tham gia đến mấy ngày sau mới chấm dứt.

Tại làng Thuận Giao, đội vũ trang kết hợp với đông đảo quần chúng kéo đến bao vây trụ sở Ban hội tề. Họ đòi giải tán chính quyền và phá trụ sở. Bọn địch ở đây hoảng sợ bỏ chạy vào trại lính quận mấy ngày sau mới trở lại. Trong những ngày này, ta làm chủ ở xóm làng, tuy ngắn ngủi, nhưng đồng bào rất phấn khởi.

Tại ấp Kiến Điền, làng An Điền (huyện Bến Cát) anh Nguyễn Tấn Bộ đã tổ chức một nhóm thanh niên bí mật phá đứt đường dây thép (dây điện thoại) dọc đường lộ từ thị trấn Bến Cát đến thị trấn Bến Súc. Họ còn cổ động nhiều gia đình nông dân đánh mõ tre, đánh thùng thiếc, thổi tù và, nhằm gây thanh thế sau khi nghe tin nổi dậy ở các vùng Hóc Môn, Gò Vấp. Việc này được thực hiện là do trước đó có một đảng viên cộng sản ở Hóc Môn là họ hàng với Nguyễn Tân Bộ đến hướng dẫn.

Ở đồn điền cao su Dầu Tiếng, chi bộ Đảng vận động công nhân bãi công 3 ngày liền. Họ cử một đoàn 60 người kéo đến gặp chủ sở đưa yêu sách đòi giảm giờ làm việc, đòi tăng lương, chống đàn áp khởi nghĩa.

Nông dân làng Định Thành ở sát cạnh Sở cao su Dầu Tiếng cử đại diện đến gặp Ban hội tề đòi giảm thuế, chống bắt lính, chống đàn áp. Tại chợ Bến Súc làng Thanh Tuyền, đồng chí Đặng Dân là đảng viên của chi bộ Dầu Tiếng đã đến tổ chức một nhóm thanh niên tại đây rải truyền đơn phản đối chiến tranh, chống bắt lính…

Tiếp đến, khoảng cuối tháng 11-1940, có hơn 100 anh em binh sĩ, hạ sĩ quan người Việt ở thành Săn Đá là những người được ta vận động trước đây, tỏ thái độ hưởng ứng khởi nghĩa. Khi đó cấp chỉ huy ra lệnh điều động mấy đại đội lính ở đây chuẩn bị đi đàn áp đồng bào ta ở nơi nổi dậy.

Nhận được nguồn tin khẩn cấp này, đồng chí Hồng, cán bộ binh vận của Tỉnh ủy đang công tác Phú Cường, đặc trách thành Săn Đá, đã yêu cầu người đầu mối(1) vận động anh em trong tổ chức mật chống lệnh của cấp chỉ huy đề ra.

Như vậy, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân ba quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát nổi dậy suốt 8 ngày kể từ 23 đến 30-11-1940, còn lại hai quận Hớn Quản, Bù Đốp chưa có điều kiện thực hiện.

Khi đó giáp ranh với Tỉnh Thủ Dầu Một là quận Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hòa và các làng xung quanh Đề pô xe lửa Dĩ An thuộc tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Bình Dương). Các chi bộ Đảng ở đó cùng hướng dẫn nhân dân nổi dậy. Tại Đề pô xe lửa Dĩ An, tuy chi bộ đảng không tồn tại nhưng tính chiến đấu người cộng sản vẫn còn như các đồng chí Ba Trò, Hai Lẹ, Năm Đò… Họ đang hoạt động bí mật trong đồng bào các làng chung quanh nhà máy, vẫn liên lạc được các hội viên công hội trước đây. Sau khi nhận chủ trương khởi nghĩa của Đảng do Huyện ủy Thủ Đức phổ biến, các đồng chí đã vận động một số anh em công nhân thực hiện. Cờ đỏ búa liềm được treo trên cây dọc đường vào cổng nhà máy và một số nơi khác.

Ở quận Tân Uyên, do được Tỉnh ủy Biên Hòa chọn làm trọng điểm cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, theo sự chỉ đạo của Ban khởi nghĩa, các đồng chí Lê Văn Tôn, Huỳnh Liễng, Nguyễn Hồng Kỳ và hai chi bộ Mỹ Lộc, Mỹ Quới (Bạch Đằng) đã làm công tác chuẩn bị từ tháng 8-1940.

Phương án khởi nghĩa được xác định chủ yếu tại hai vùng: phía nam lấy thị trấn Uyên Hưng làm trọng điểm, phía bắc lấy làng Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An làm điểm hỗ trợ. Lực lượng nổi dậy bao gồm quần chúng Hội phản đế nông dân, thanh niên, và đội vũ trang khoảng 35 người với vài khẩu súng trường, súng săn, giáo mác, gậy tầm vông. Lực lượng này do đồng chí Huỳnh Liễng chỉ đạo và đồng chí Trần Văn Quỳ chỉ huy.

Ngày 23-11-1940, địch đã ban hành lệnh giới nghiêm ở thị trấn Uyên Hưng, số anh em binh lính tích cực hứa làm nội ứng để cùng quân khởi nghĩa cướp đồn đã bị cấm trại. Do đó, mũi binh vận không thành, đơn vị vũ trang rút lui để làm nhiệm vụ bảo vệ nổi dậy ở nông thôn. Khi đó đồng bào ở các làng Uyên Hưng, Mỹ Quới, Tân Ba, Thạch Hội không kéo đến quận lỵ được.

Đặc điểm nổi dậy ở phía Bắc Tân Uyên khác hơn phía Nam. Nhiều gia đình nông dân, thanh niên các làng Mỹ Lộc, Tân Tịch, Tân Hòa, Thường Lang, Lạc An đêm đêm thổi tù và, đánh mõ tre, đánh trống uy hiếm bọn hội tề. Nhờ có vị trí hiểm trở của rừng và xa cách đồn lính quận, tỉnh, nên cuộc nổi dậy trọn ngày đêm. Đến ngày 24-11, theo lệnh của tỉnh trưởng Biên Hòa, quận trưởng Tân Uyên đã điều hàng trăm quân lính đi bằng xe quân sự đến vùng khởi nghĩa 5 làng và gây nợ máu đối với đồng bào ta.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách đàn áp tàn bạo đối với cuộc khởi nghĩa.

Trên địa bàn Thủ Dầu Một, tỉnh trưởng Vôn (Wolf) đã đàn áp dữ dội đối với những người cộng sản và yêu nước ở các làng, đồn điền cao su, thành Săn Đá. Số người bị giết, bị thương và bị bắt khoảng 50 người.

Tại Tân Uyên, chúng cho quân đội tàn sát 11 người ở Cầu ông Hựu làng Tân Hòa. Ngoài ra, còn có 30 người ở các nơi khác trong huyện bị thương, bị giết, bị bắt đày ra Côn Đảo.

Một số đảng viên ở Làng An Sơn, Bình Nhâm như: Ba Là, Ba Luyến, Tư Ai…(An Sơn); Ba Sào, Bảy Nga, Nguyễn Văn Đua… (Bình Nhâm) cũng bị bắt đày ra Côn Đảo. Một số quần chúng yêu nước ở làng Tương Bình Hiệp như Nguyễn Văn Kia, Nguyễn Đình Khôi, Bùi Hoàng Hổ, Lê Văn Sơn, Ba Vốn …bị bắt đày đi nơi khác. Ngay trong thời gian trước khi nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhà sư Từ Tâm trụ trì chùa Bình Long làng Bình Nhâm cũng bị lính đến vây bắt, vì chùa chứa chấp cộng sản. Chúng đày sư Từ  Tâm ra Côn Đảo và ông đã hy sinh ở đó.

Đồng chí Hồ Văn Cống, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ làng Tân Khánh chuyển đến sở cao su Dầu Tiếng ẩn náu trong gia đình công nhân sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, bị mật thám theo dõi và bắt về giam ở Sài Gòn. Sau tết Nguyên Đán 1941, đồng chí bị đế quốc Pháp kết án làm chính trị, bị đày và hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại vì nó nổ ra không đúng thời cơ, điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã nêu cao tinh thần quyết chống đế quốc để giành độc lập tự do, nêu cao khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với các cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã gây một ảnh hưởng rộng lớn, khích động tinh thần yêu nước của đồng bào trong cả nước; nó là cuộc tập dượt vô cùng anh dũng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi Tháng Tám năm 1945. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cũng để lại những bài học xương máu về nắm thời cơ khởi nghĩa, về sự phối hợp đồng bộ giữa địa phương và cả nước, giữa thành phố Sài Gòn và các tỉnh, giữa phát động quần chúng nhân dân nổi dậy với vận động binh lính quay súng chống lại quân thù, về tinh thần cảnh giác cách mạng… Đó đều là những kinh nghiệm quý báu cho các giai đoạn cách mạng kế tiếp.

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Thủ Dầu Một, bên cạnh bọn cầm quyền Pháp do tên Vôn (Wolf) làm tỉnh trưởng và tên Đơnêri (Denéri) làm phó tỉnh trưởng, còn có sự kiểm soát của tên võ quan Nhật Bản là Araki và một trung đoàn lính Nhật đóng tại thị xã, các thị trấn và các đồn điền cao su… Chúng ra sức bóc lột, đàn áp dân ta.

Tuân theo lệnh của Nhật, Pháp phải cung cấp đầy đủ tiền, lương thực, thực phẩm… cho một trung đoàn Nhật đang chiếm đóng nơi xung yếu Thủ Dầu Một từ tháng 7-1941. Nguồn vật chất đó Pháp chỉ có lấy từ trong thuế mà ra.

Như vậy 130.058 hộ khẩu Thủ Dầu Một, đồng bào Tân Uyên, Dĩ An đều là nạn nhân của chính sách thu thuế. Người vô sản đóng thuế thân, người hữu sản phải đóng các thuế khác trong sản xuất, lưu thông, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Năm 1941, dự thu 32.763, thực thu 527.975, vượt mức 115.302 đơn vị.

Do sưu cao, thuế nặng gây ra tình trạng bần cùng hóa khiến người dân nghèo khổ. Theo bản phúc trình của quận trưởng Châu Thành và quận trưởng Lái Thiêu cho biết nhiều đối tượng ở hạng bình dân chịu đựng thảm cảnh đói nghèo. Nhiều tiểu chủ, đại lý, thầu khoán, đã phải bỏ cuộc làm ăn lớn, quay lại làm ăn nhỏ, có người bị phá sản. Thợ thủ công thất nghiệp do chủ thất thu, nộp thuế nặng nề. Nông dân nghèo ăn thiếu, mặc rách, có người phải mặc quần bao bố (bao tải) vì không có tiền mua vải thô. Nếu năm 1938 mua một mét vải chỉ bán 7 kg lúa thì mấy năm sau mua một mét vải phải bán 12 kg lúa. Khi đó bọn cầm quyền Pháp tận thu mua lúa dự trữ, sản xuất ra gạo đem bán ở thị trường, đáp ứng nhu cầu của Nhật, gây ra nạn thiếu, đói trầm trọng trong dân ta.

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ cũng như ở trong nước gặp khó khăn thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, họp tại rừng Khuối Nậm ở vùng Pác Bó thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị đã phát triển và hoàn chỉnh các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 và Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương về vấn đề giải phóng dân tộc. Hội nghị xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, chủ trương lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương bao gồm các hội cứu nước của các tầng lớp nhân dân và áp dụng một sách lược hết sức mềm dẻo để phân hóa cao độ kẻ thù và tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được nhằm cứu nước, giải phóng dân tộc, khẳng định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại, chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và tăng thêm thành phần công nhân trong Đảng, chú trọng công tác vận động công nhân đi đôi với công tác vận động binh lính địch. Hội nghị còn nhận định, khi thời cơ đến, “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn” (1)

Mặc dù bị khủng bố ác liệt, nhưng từ giữa năm 1942 trở đi, cán bộ, đảng viên quê tỉnh Thủ Dầu Một trước đây đã lẩn tránh đi nơi khác, nay lần lượt trở về địa bàn cũ và bắt liên lạc với nhau. Từ đó, lập ra nhiều nhóm đảng viên ở các làng An Sơn, An Thạnh, Thuận Giao, Tân Khánh, Phú Cường và chi bộ Bình Nhâm do đồng chí Đinh Văn Sáng làm Bí thư.

Khi đó, ở phía Bắc của tỉnh Thủ Dầu Một, có những cán bộ, đảng viên từ thành phố Sài Gòn, các tỉnh Tân An, Chợ Lớn, Mỹ Tho, chuyển đến sau Khởi nghĩa. Nhờ vậy hình thành các nhóm đảng viên ở sở cao su Lộc Ninh, Hớn Quản và chi bộ cao su Dầu Tiếng.

Chi bộ Dầu Tiếng gồm những cán bộ đã từng lãnh đạo khởi nghĩa như Văn Công Khai, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung. Bí thư chi bộ là Văn Công Khai cùng với các đồng chí trong chi bộ đặt ra vấn đề cần thiết hiện nay là phải bắt liên lạc với các nhóm đảng viên cộng sản trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, nhằm tổ chức tại Tỉnh ủy, phục hồi cơ sở quần chúng, tiếp tục chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Chi bộ Dầu Tiếng mang động cơ đúng đắn này đi vận động các nhóm đảng viên và chi bộ Bình Nhâm. Nhiều người tỏ sự đồng tình và đề cử đồng chí Văn Công Khai đứng ra thành lập Tỉnh ủy lâm thời.

Cũng trong thời gian này, có nhóm cán bộ tù chính trị Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông … đã vượt ngục Tà Lài (17-10-1941) đang tích cực hoạt động xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ (1942). Đồng chí Dương Quang Đông đã tìm đến gặp đồng chí Văn Công Khai và thông báo chuẩn bị lập Xứ ủy Nam Kỳ.

Ngày 27-3-1943, Hội nghị tái lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bí mật tổ chức tại làng số 1 Sở cao su Dầu Tiếng. Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Văn Công Khai, các tỉnh ủy viên gồm có Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung.

Từ đây Đảng bộ Thủ Dầu Một được tái lập, đi vào hoạt động trở lại với các chi bộ Bình Nhâm, Dầu Tiếng và các nhóm đảng viên ở An Sơn, An Thạnh, Tân Khánh, Thuận Giao, Phú Cường, Lộc Ninh, Hớn Quản.

Trên địa bàn dân cư Tân Uyên có các chi bộ Mỹ Lộc, Phước Hòa, và nhóm đảng viên Mỹ Quới (Bạch Đằng) thuộc tỉnh Biên Hòa. Tại Đề pô xe lửa Dĩ An có một chi bộ đảng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn.

Sau hội nghị, Tỉnh ủy chia địa bàn tỉnh ra 3 vùng: Trung tâm và tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, phía nam là quận Lái Thiêu và Châu Thành, phía bắc là quận Bến Cát, Hớn Quản, Bù Đốp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy  phân công các đồng chí phụ trách từng vùng, nhằm phổ biến tinh thần Nghị quyết Tỉnh ủy và trực tiếp chỉ đạo các mặt công tác của Đảng tại cơ sở…

Trong quý I năm 1943, nhóm Đảng viên ở Lộc Ninh thông qua tổ chức công hội, vận động 300 anh chị em phu 4 làng đấu tranh suốt ngày. Họ biểu tình đưa yêu sách: làm việc 8 giờ/ngày, tăng lương, chống cúp phạt lương. Trong cuộc đấu tranh này, còn có một đội thanh niên trang bị dao găm, gậy… hỗ trợ, bảo vệ anh chị em công nhân.

Khi quân lính đến đàn áp công nhân, lực lượng tự vệ đã chống lại. Hai bên xô xát nhau làm cho chúng bị thương một số tên lính. Chúng bắn chết hai công nhân và làm bị thương nhiều người khác. Làn sóng căm thù dâng cao, công nhân bao vây văn phòng chủ Đờlalăng, buộc phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Thi hài công nhân được anh em đưa về làng làm lễ truy điệu, phát động căm thù rộng rãi trong toàn sở Lộc Ninh.

Ngày 26-5-1943, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một cùng các Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tây Ninh họp lại thành lập Liên Tỉnh ủy miền Đông.

Hội nghị bàn biện pháp xây dựng, củng cố cơ sở Đảng, công tác quần chúng và thông báo vấn đề mới. Đó là chủ trương lập Mặt trận Việt Minh, lập Hội Cứu quốc, chú trọng công tác thanh niên để chuẩn  bị khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Ngay sau đó, chi bộ Đề pô xe lửa Dĩ An lập ra tổ chức công hội gồm các cán bộ nồng cốt: Võ Thuận Kiều, Sơn Tiêu, Ba Lạc, Chín Đăng. Đồng chí Ba Trò, Bí thư chi bộ, còn liên lạc với đồng chí Chiêu, cán bộ chuyên trách công đoàn ngành xe lửa Sài Gòn, từ đó nắm bắt thêm tình hình hoạt động của công nhân, công đoàn các nơi khác.

Tháng 8-1943, được sự đồng ý của đốc phủ Viễn ở quận Thủ Đức, tại khu vực thắng cảnh suối Lồ Ồ đã khai mạc trại hè có hơn 300 học sinh, sinh viên, thầy cô giáo ở Sài Gòn, Chợ lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Gia Định… đến dự. Bác sĩ Đặng Văn Chung làm Trại trưởng, Trịnh Kim Ảnh làm thành viên, thuộc Hội sinh viên Sài Gòn đứng ra tổ chức phong trào xếp bút nghiên hướng về nguồn.

Mục đích cắm trại là để “nuôi chí cả” thể hiện trong chương trình hoạt động tiến bộ và yêu nước: Hội thảo thời cuộc, thăm hỏi chăm sóc đồng bào đau ốm, giải thích cho cô bác, thanh niên về sự thất bại của phát xít, về sự thắng lợi của Đồng Minh và Hồng quân Liên Xô, trình diễn  các ca kịch lịch sử, ca khúc thanh niên yêu nước, ca ngợi những chiến thắng của tổ tiên ta chống quân thù xâm lược.

Những hoạt động của trại hè đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo chức và thanh niên, học sinh Thủ Dầu Một. Tại Phú Cường đã thành lập đoàn học sinh của các trường Tân Ánh Mai, Thanh Trước … tổ chức sinh hoạt thể dục thể thao, ca hát, theo sự hướng dẫn của Hội học sinh Sài Gòn. Các hoạt động này không giống tổ chức và sinh hoạt của Thanh niên Ducôroa (Ducoroy) của Pháp(1), cũng không giống các thanh niên thân Nhật đang hoạt động.

Nhạy bén nhận thức được tình hình, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã cử đồng chí Văn Công Khai trực tiếp phụ trách giới trí thức và tiếp tục chỉ đạo phát triển các hoạt động trại hè thanh niên đến  các vùng khác.

Trên vùng Dầu Tiếng – Định Thành, có một nhóm tài tử cải lương Ngô Văn Cảnh, Lê Thanh Tài đi hát dạo trong công nhân và nông dân. Nội dung lời ca nói về sự tích Hai Bà Trưng, Lê Lợi khởi nghĩa, Trần Quốc Tuấn… Mục đích nhằm nhắc nhở đồng bào ta đứng lên chống giặc ngoại xâm đương thời. Đây là sáng kiến của đồng chí Văn Công Khai nhằm tổ chức nhóm tuyên truyền công khai hợp pháp mà địch không ngăn cấm được.

Trong tháng 11-1943, đồng chí Văn Công Khai được đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông truyền đạt lại những nội dung chủ yếu của hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Kỳ đã họp tháng 10-1943. Trong những nội dung chủ yếu đó có nhận định về tình hình thế giới và trong nước cùng nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân Nam Kỳ là mau chóng phục hồi hệ thống Đảng trong giai đoạn lịch sử sắp tới; phát triển thực lực cách mạng theo chương trình Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuối năm 1943, đồng chí Dương Quang Đông, Thường vụ Xứ ủy gặp đồng chí Văn Công Khai tại nhà cơ sở mật gần chợ Thủ Dầu Một truyền đạt Nghị quyết Xử ủy Nam Kỳ, chương trình Mặt trận Việt Minh và bàn biện pháp thực hiện. Trước đó, tài liệu quan trọng này cũng được các đồng chí Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Thị Huệ phổ biến cho các đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Đò. Kể từ đây trở đi, chương trình Việt Minh, Điều lệ và Tuyên ngôn của Việt Minh dần dần được thâm nhập vào Đảng bộ và quần chúng Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An.

Đầu năm 1944, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tổ chức Hội nghị công tác. Tham gia hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và một Tỉnh ủy viên mới bổ sung là Lê Đức Anh. Chủ trì Hội nghị là đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy.

Hội nghị bàn các biện pháp nghị quyết Xứ ủy và tổ chức Hội Cứu quốc trong nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ.

Tháng 2-1944, ở Lộc Ninh đồng chí Lê Đức Anh lập nhóm quần chúng trung kiên trong công nhân, giáo viên, đồng bào dân tộc có khoảng 8 người làm nòng cốt.

Tại sở cao su Quản lợi (quận Hớn Quản), đồng chí Nguyễn Văn Trung phát động số đông thợ cạo mủ, thợ sơn, thợ nguội “làm reo”. Đại diện là thợ nguội đến gặp chủ quản phản đối hành vi của xếp Cao Phỏng đã đánh đập, lại trừ lương công nhân. Cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm và bảo vệ quyền lợi kinh tế cho anh chị em giành được thắng lợi.

Ở làng Phước Hòa (quận Tân Uyên), ngày 10-12 tháng giêng năm 1944 xảy ra một vụ tranh chấp giữa nông dân với Ban Hội tề và binh lính. Đồng bào xin hoãn đi làm xâu cho Pháp ở núi Bà Rá, không được quan làng chấp nhận. Họ cho quân lính bắt dân đi và xảy ra vụ xô xát. Địch đàn áp, gây thương tích 5 người và tài sản một số gia đình bị đập phá. Nhân lúc lòng dân căm phẫn, đồng chí Huỳnh Văn Một, bí thư chi bộ và các đảng viên vận động cuộc đấu tranh mới. Các cụ già đưa người bị thương và thân nhân của họ đến trụ sở làng đòi nhà chức trách bồi thường. Kết quả, tên Hương cả Viễn phải chịu bồi thường tiền về các khoản tài sản bị phá và thuốc trị bệnh cho người bị thương.

Những hoạt động của chi bộ vũ trang Mỹ Lộc vẫn do đồng chí Trần Văn Quỳ phụ trách. Họ đã trải qua 4 năm (1941-1944) bám rừng sâu để hoạt động vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Giặc Pháp ra lệnh cấm dân tiếp tế cho đơn vị, bao vây và truy lùng vào tận căn cứ Hóc Bà Sầm. Giữa ta và địch đã nhiều lần nổ súng đánh nhau. Bọn Nhật cho tay sai đến tìm cách mua chuộc người chỉ huy theo chúng chống Pháp. Đồng chí Trần Văn Quỳ và các chiến sĩ đã trả lời bằng hành động đánh vào nhà tên tay sai của Nhật để cảnh cáo cả thầy và tớ. Ta thu được một khẩu súng săn và nhiều tiền. Số tiền thu được, các đồng chí dành một phần giúp dân nghèo theo cách mạng và số còn lại để phục vụ đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Điểm đặc biệt trong phong trào quần chúng thời kỳ này là các hoạt động tuyên truyền yêu nước phát triển mạnh.

Từ tháng 7-1944 trở đi, ở nhiều nơi như thị xã Thủ Dầu Một, các thị trấn Bến Cát, Lái Thiêu, Tân Uyên và các làng nông thôn dấy lên hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ do một số giáo chức yêu nước tổ chức. Các chi bộ Đảng một mặt ủng hộ mạnh mẽ hoạt động của Hội, một mặt nhân cơ hội này đẩy mạnh công tác vận động trí thức và các tầng lớp trung lưu khác tham gia chống lại âm mưu của Nhật, Pháp dùng văn hóa đồi trụy để trụy lạc hóa thanh niên. Trong hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ, thầy giáo Võ Văn Đương (Võ Văn Đợi) là một trong những người tiêu biểu nhất và cũng là người sớm bắt liên lạc với các cán bộ cộng sản như Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai. Các đồng chí ta đã mạnh dạn giác ngộ cách mạng người trí thức yêu nước này để làm nòng cốt trong phong trào quần chúng ởthị xã và vùng Lái Thiêu…

Sau một thời gian số cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận ở Phú Cường đã hình thành hai nhóm cảm tình Việt Minh: Các thầy giáo Võ Văn Đợi (Võ Minh Đức), Cao Anh Kiệt, Quách Văn Tử, Phan Văn Phổ, Trịnh Kim Ảnh, Nguyễn Khắc Cầm… các viên chức: Bùi Thanh Khiết, Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Hậu Tài, Lê Văn Quỳnh … Họ là hạt nhân hoạt động trong phong trào quần chúng hợp pháp tổ chức ở tỉnh lỵ và các thị trấn …

Cuối năm 1944, Hội truyền bá Quốc ngữ ra đời tại Phú Cường. Chủ tịch danh dự là Trần Văn Đẩu (đốc phủ xứ hưu trí). Tổng thư ký là Huỳnh Kim Trương, Phó tổng thư ký là Phan Văn Phổ và các thành viên khác trong Ban trị sự. Ngoài ra, còn có nhiều nhà giáo, nhà từ thiện, nhà sư, bác sĩ, viên chức, kỹ sư và có những người cảm tình với Việt Minh làm nòng cốt cho phong trào. Điểm nổi bật trong phong trào truyền bá quốc ngữ ở Phú Cường là đông đảo nhân dân lao động hồ hởi đi học ban đêm ở các trường Tân Ánh Mai, Thanh Trước, trường nữ và các chùa Hội Khánh, Tây Tạng…Mọi người đến học đều được giúp đỡ về sách vở, bút mực. Ai học giỏi còn được phát thưởng do các “mạnh thường quân” Võ Văn Vân và các nhà sư Thích Minh Tịnh, Thích Thiện Nương đảm trách. Phong trào còn phát triển đến những nơi có cơ sở Hội ở các vùng xa tỉnh lỵ như Tân Khánh (Lái Thiêu), trường Canh Nông (thị trấn Bến Cát), đồn điền cao su Hớn Quản (Lộc Ninh)… Tại những cơ sở đó, có những cán bộ của Hội làm nòng cốt như: y sĩ Hồ Văn Huê, kỹ sư Lê Văn Phong, và Huỳnh Thị Lẫm, thanh niên Nguyễn Văn Rảnh…

Ở đồn điền Dầu Tiếng và làng Định Thành, đồng chí Văn Công Khai tiếp tục nắm và sử dụng “nhóm tài cử cải lương” làm công cụ tuyên truyền chiến thắng của Liên Xô. Bản thân đồng chí Văn Công Khai cũng sáng tác nhiều bài ca cổ với nội dung ca ngợi sự tất thắng của Liên Xô và vạch rõ sự thất bại không thể nào tránh khỏi của bọn phát xít Đức, Ý, Nhật.

Nhìn chung, hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ ở Thủ Dầu Một ngay từ đầu đã được xác định mục đích là giải quyết nạn mù chữ, đồng bào nghèo đều biết học, biết viết tiếng Việt, mở rộng dân trí, phổ biến kiến thức phổ thông về vệ sinh, y tế, lịch sử, địa lý, nâng cao tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm và kêu gọi đồng bào tham gia công tác cứu quốc chuẩn bị khởi nghĩa. Kết quả của phong trào truyền bá Quốc ngữ ở Thủ Dầu Một còn là bài học kinh nghiệm thành công về công tác vận động trí thức của Tỉnh Đảng bộ Thủ Dầu Một.

Trong thời gian này, Tỉnh ủy cũng đã rất quan tâm chỉ đạo công tác phục hồi cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng, đặc biệt quan tâm đến địa bàn trung tâm Thủ Dầu Một. Nơi đây bao gồm các làng Phú Cường, Phú Thọ, Chánh Hiệp… trong đó lấy Phú Cường làm trọng điểm.

Đặc trách công tác ở vùng trung tâm là bí thư tỉnh ủy Văn Công Khai, cùng các đồng chí Nguyễn Văn Tiết và Võ Văn Hiển. Kết quả bước đầu đã tái lập được chi bộ Phú Cường do Hà Quang Minh làm Bí thư. Sau một thời gian hoạt động, chi bộ kết nạp thêm 4 đảng viên mới ở các làng Chánh Hiệp, Phú Thọ, Phú Cường. Hầu hết cán bộ đảng viên ở đây đều gắn bó với quần chúng lao động vừa che mắt địch, vừa có việc làm hợp pháp như mở phòng thuốc nam, mở lớp dạy võ thuật, lập lò ép bún… chi bộ Phú Cường còn liên hệ chặt chẽ với các chi bộ đảng ở Lái Thiêu nhằm cùng phối hợp hoạt động.

Giữa lúc phong trào yêu nước của nhân dân Thủ Dầu Một cũng như nhiều nơi khác đang phát triển mạnh, thì tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến quan trọng.

Trên thế giới từ năm 1944 đến đầu năm 1945, trên chiến trường châu Âu, quân đội Xôviết đã giành được thắng lợi quyết địnhh bằng hàng loạt đòn phản công chiến lược, đưa chiến tranh đến cửa ngõ của sào huyệt phát xít Đức. Giờ tận số của phát xít Đức đã điểm. Ở mặt trận châu Á và Thái Bình Dương, số phận của phát xít Nhật cũng đang lung lay tận gốc.

Ở trong nước, tháng 8-1944, theo chủ trương của Đảng, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “sắm vũ khí, đuổi thù chung”, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đồng thời phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở nông thôn và thành thị cũng dâng cao. Trên phạm vi cả nước, không khí cách mạng sục sôi khắp nơi.

Cuối 1944 đầu năm 1945, địa vị của phát xít Nhật ở phương Đông đã lung lay tận gốc. Quân Nhật ở vùng Thái Bình Dương bị quân Anh, Mỹ dồn dập tấn công. Ở Đông Dương, Pháp tính toán mở cuộc tấn công quân sự vào Nhật nhằm giành lại quyền cai trị Đông Dương trước khi quân Đồng Minh thắng trận. Mưu toan này của Đờgôn được các Chính phủ Anh, Mỹ ủng hộ với những biện pháp cụ thể như cho máy bay thả người và vũ khí đạn dược tăng cường cho quân Pháp ở các đồn vùng biên giới Trung – Việt, Lào-Việt và nội địa Việt Nam.

Đứng trước tình hình đó, để trừ mối hậu họa bị quân Pháp đánh vào sau lưng khi quân Đồng Minh tiến vào Đông Dương, Nhật buộc phải làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Đêm 9-3-1945, cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật và Pháp đã nổ ra. Lúc 8 giờ, cả 10 vạn lính Nhật ở Đông Dương đã bất ngờ tấn công vào bộ máy chính quyền Pháp. Chưa đầy 2 giờ sau, phần lớn lực lượng vũ trang của Pháp đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Ở Thủ Dầu Một chỉ có một đồn 200 lính tại thành Săn Đá do tên quan tư Pháp chỉ huy, nổ súng lẻ tẻ chống cự yếu ớt. Sau đó tất cả người Pháp ở Thủ Dầu Một đều bị bắt tập trung về Sài Gòn, tên quan tư Pháp thất thế phải tự tử.

Từ lâu, Đảng ta đã dự đoán cuộc đảo chính Nhật-Pháp sẽ nổ ra: “Nhật sửa soạn truất quyền Pháp ngày một gấp”(1), “cả hai quân thù Nhật-Pháp… đều đang sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau”(2). Do đó ngày 9 tháng 3, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng, cách Hà Nội 16 km về phía bắc để bàn biện pháp đối phó với tình hình một khi cuộc đảo chính xảy ra. Cuộc họp đang tiến hành thì được tin Nhật – Pháp đã bắn nhau. Để chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng sau sự biến vừa xảy ra, cuộc họp đã đánh giá tình hình cuộc đảo chính và đề ra những chủ trương của cách mạng trong thời kỳ mới. Hội nghị đã nhận định là cuộc đảo chính sẽ tạo ra một tình thế khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho những điều kiện của cuộc tổng khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng. Hội nghị chủ trương nêu khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật-Pháp” và phát động cao trào chống Nhật, cứu nước mạnh mẽ, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương. Để nhanh chóng thúc đẩy cao trào cứu nước, Hội nghị chủ trương chuyển sang những hình thức và phương pháp đấu tranh cao hơn và mạnh bạo hơn như “tuyên truyền xung phong”, “tổ chức xung phong”, biểu tình tuần hành thị uy, mít tinh công khai, thành lập các Ủy ban nhân dân cách mạng, xây dựng, mở rộng các chiến khu và các căn cứ địa cách mạng. Biện pháp then chốt để đưa phong trào lên cao là phát động quần chúng “phá kho thóc, giải quyết nạn đói” nhằm tập hợp đội quân chính trị quần chúng cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Để cụ thể hóa những nhận định và nghị quyết của Hội nghị, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản chỉ thị lịch sử “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị này có tác dụng chỉ đạo rất kịp thời và phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương.

Sau khi có chỉ thị của Trung ương, từ cuối tháng 3 trở đi, cách mạng Việt Nam đã chuyển lên thành cao trào và những cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở nhiều địa phương, các căn cứ địa cách mạng được thành lập. Tại Nam Kỳ, nhiều đồng chí bị giam đã thoát khỏi nhà tù trở về các địa phương hoạt động, chắp nối với các đồng chí còn ở ngoài, nhanh chóng khôi phục lại tổ chức Đảng. Tại Sài Gòn, các đồng chí Xứ ủy cử đồng chí Lý Chính Thắng ra Bắc tìm cách bắt liên lạc với Trung ương. Ngày 5-4-1945, đồng chí Lý Chính Thắng gặp được đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng. Đây là lần đầu tiên Xứ ủy chủ động bắt liên lạc với Trung ương. Đồng chí Thắng nhận chỉ thị của Đảng và trở lại Sài Gòn giao cho Xứ ủy. Sau đó Trung ương cử nữ đồng chí Kỳ vào Sài Gòn liên lạc với Đảng bộ Nam kỳ.

Được sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Trung ương và do tác động của tình hình mới, từ sau 9-3-1945, phong trào ở Nam Kỳ được phục hồi rất nhanh chóng. Đảng bộ Nam Kỳ đã được khôi phục và tiến hành hoạt động. Có 8 tỉnh đã có Tỉnh ủy, đó là Gia Định, Tân An, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá, Hà Tiên và Thành ủy Sài Gòn, 13 tỉnh còn lại đang tiến hành lập Tỉnh ủy (có nơi gọi là Ban cán sự Đảng) như Tây Ninh, Biên Hòa… Họ đã bắt được liên lạc hoặc nằm trong tổ chức do Xứ ủy chỉ đạo.

Về phía kẻ thù của cách mạng, sau khi đảo chính Pháp (9-3-1945), Nhật đưa Trần Trọng Kim ra lập chính phủ bù nhìn, nhưng ở Nam Kỳ chúng dùng chế độ trực trị của Nhật. Chúng chỉ thay đổi vài tên cai trị ở bên trên, đưa sĩ quan Nhật làm Thống đốc Nam Kỳ, còn thì để nguyên bộ máy cũ của thực dân Pháp.

Để tạo hậu thuẫn xã hội cho sự cai trị của chúng, ngoài các tổ chức chính trị thanh niên mà Nhật đã có từ trước, Nhật còn cho một số tay sai ra tập họp thanh niên vào các tổ chức quân sự hoặc nửa quân sự của chúng. Chúng đưa bọn Đinh Khắc Thiệt lập ra “Thanh niên ái quốc đoàn”, cho bọn Nguyễn Hòa Hiệp lập ra tổ chức “thanh niên Nhật – Việt phòng vệ đoàn” bọn Vũ Tam Anh ra tổ chức “Võ sĩ đoàn”, bọn Trần Quang Vinh lập ra “Nghĩa đạo thực hành đoàn”, .v.v … Bọn tay sai thân Nhật đã ra mặt hoạt động công khai. Chúng thi nhau tuyên truyền cho nền “độc lập” bánh vẽ và thuyết Đại Đông Á của Nhật. Bọn Tờrốtkít cũng tăng cường các hoạt động làm tay sai cho Nhật.

Tại Thủ Dầu Một, về phía Nhật có một quan năm chỉ huy một trung đoàn bộ binh và Araki là hiến binh cầm đầu lực lượng cảnh sát. Tỉnh trưởng là Lương Sơ Khai trước đây Quận trưởng Châu Thành. Quận trưởng Châu Thành mới là Đỗ Văn Công từ quận trưởng Lái Thiêu điều đến. Lực lượng cộng hòa vệ binh, cảnh sát được duy trì…, các tổ chức thân binh, đảng phái, nhóm văn hóa, xã hội do Nhật lập ra trước kia, nay phát triển mạnh mẽ về số lượng và bộc lộ rõ tính chất phản động. Bọn Tờrốtkít lặng xuống từ lâu nay có cơ hội ngoi lên phá hoại phong trào yêu nước của ta, được bọn cầm quyền Nhật cổ vũ. Đó là Phan Quốc Quân, Cao Thượng Thinh ở Thủ Dầu Một theo Phan Văn Hùm, Trần Văn Sĩ là bọn cầm đầu Tờrốtkít ở Sài Gòn, về Thủ Dầu Một, lấy danh nghĩa “Việt Nam độc lập đồng minh” tổ chức lễ ra mắt trước Nhà việc Phú Cường. Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí buồn tẻ, vì ngoài một số người cùng phe phái đến dự thì không được ai đồng tình trong lúc phố chợ rất đông đảo dân chúng qua lại.

Càng về sau, bộ mặt phát xít Nhật và bè lũ bù nhìn càng phơi bày trắng trợn trước đồng bào, do chính sách thu thóc và tăng thuế nặng hơn trước, chính sách đàn áp cách mạng, khủng bố nhân dân để cứu vãn số phận của chúng.

Tại Thủ Dầu Một, hàng trăm người yêu nước từ các làng, đồn điền cao su, nhà máy bị tống giam vào khám đường Thủ Dầu Một, nhà lao Biên Hòa, đày lên căng Bà Rá… Nhiều dân nghèo đi kiếm ăn gần kho dự trữ lương thực, thực phẩm bị chúng nghi ngờ bắt đem chặt 5 ngón tay hoặc bị chôn sống nửa thân người tại sân banh Lai Khê (Bến Cát). Họ còn bị bắn chết tại kho quân cụ ở rừng Cò My (Lái Thiêu). Lại có nhiều người bị thủ tiêu sau khi đào hầm bí mật chôn giấu vũ khí của Nhật ở rừng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bến Cát, Bà Rá, v.v…, nhân dân càng căm thù Nhật tột độ.

Ngày 15-4-1945, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức Đại hội đại biểu và có hiệu triệu gửi quốc dân Việt Nam, các đảng phản đế, các đồng chí cộng sản.

Đối với đảng viên, hiệu triệu có nêu: chúng ta là tiền phong của dân chúng, hãy nỗ lực hoạt động, tuyên truyền tổ chức, chiến đấu cho thanh danh của Đảng được nêu cao, cho sứ mạng của dân tộc được hoàn thành, giải thoát dân tộc. Hiện giờ mà còn do dự thì đợi thời giờ nào  Ngay các đồng chí thất lạc, hãy tự động, nhờ tự động mà mau gặp Đảng. Đảng nhờ từ sáng kiến, óc kỷ luật của mỗi đồng chí nên ngày nay mới rắn như sắt, vững như đồng.

Phần kết luận hiệu triệu viết: hãy đồng tâm hiệp lực với chúng tôi, kêu gọi đồng bào theo con đường giải thoát chân chính, cho dân giàu nước mạnh, cho bao nhiêu xiềng xích đế quốc, phong kiến phải tiêu tan, tung mạnh dưới nắm tay cách mạng của quốc dân.

Trong tháng 3, 4, 5-1945, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã ba lần họp với đại diện Xứ ủy nhận chỉ thị mới và triển khai đến Đảng bộ thực hiện trên nhiều mặt công tác.

Ngày 10-03-1945, một đoàn cán bộ tù chính trị Trương Văn Bang, Nguyễn Thành A, Hồ Bá Phúc… đã nổi dậy tự giải phóng khỏi nhà tù Bà Rá. Trên đường về địa phương, các đồng chí dừng chân và tìm nơi ẩn náu trong các gia đình công nhân đồn điền cao su Phước Hòa được mọi người đón tiếp đầy nghĩa tình. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thành A, nguyên cán bộ nghiệp đoàn Thành ủy Sài Gòn đã nói chuyện cho anh chị em công nhân ở đây nghe về thời sự chiến tranh, về việc lập Hội Cứu quốc, về chương trình, hành động Việt Minh, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác tư tưởng đối với địa phương.

Chi bộ Cộng sản làng Phước Hòa nhanh chóng vận động công nhân, nông dân xông vào kho lấy gạo, thực phẩm, vải… của Pháp dự trữ ở rừng cao su, khi bị đảo chính bỏ chạy mà quân Nhật chưa kịp đến tiếp quản.

Chiến lợi phẩm được đem chia cho các gia đình đang lúc rất khó khăn, dân làng rất phấn khởi tỏ lòng cám ơn cán bộ Việt minh. Nhân đà thắng lợi, các đồng chí tiến hành lập Hội Cứu qốc công nhân, Hội Cứu qốc nông dân… và tổ chức một đội tự vệ bán vũ trang lấy súng của Pháp trang bị cho ta.

Khi quân Nhật cùng tên Tốt tay sai đảng Huỳnh Long từ thị trấn Tân Uyên kéo đến chiếm đóng ở bót Phước Vĩnh và Phước Hòa, chúng ra lệnh cho Ban hội tề Phước Hòa bắt buộc dân làng và dân cạo mủ phải đem nộp lại những gì đã lấy của Pháp trả cho Nhật. Ai trái lệnh bị xử tử hoặc cầm tù…

Bên ta có sự hướng dẫn của chi bộ đảng, cử các lão thành có uy tín trước đây với hội tề, đứng ra bày tỏ lý tình với địch nên không bị khủng bố, bảo vệ được thành quả vừa qua.

Đội vũ trang chi bộ Mỹ Lộc (còn gọi là “Du kích Đồng Nai” ) đã phục kích dọc sông Đồng Nai chặn bắt một chiếc tàu Pháp chở vũ khí đạn dược chạy trốn quân Nhật truy lùng. Toàn bộ chiến lợi phẩm đó đem nộp cho Việt Minh tỉnh Biên Hòa, kể từ đây đơn vị này trở thành Đội du kích khởi nghĩa của tỉnh.

Do có sự chuẩn bị từ trước, nên từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1945, Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển phong trào lập nhóm Cứu quốc lên Hội Cứu quốc trong nông dân, công nhân, phụ nữ, thanh niên ở nhiều làng, thị trấn thuộc địa bàn Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An. Đồng thời tổ chức khoảng 300 cuộc đấu tranh chống đi đào hầm hào, chống nộp thuế…, trong đó có 5 cuộc diễn ra tại làng Phước Hòa suốt một tháng liền.

Cùng với Hội cứu quốc người Kinh, lại có Hội người Việt Nam mới ra đời ở hai quận Hớn Quản, Bù Đốp. Đó là những đồng bào dân tộc thiểu số, với số lượng 40 người, trong đó có 2 nhà giáo Điểu Du, Chennen tự trang bị gươm, dao, mác, cung, ná, súng săn là những thứ sẵn có trong tay. Đây còn là đơn vị tự vệ bán vũ trang, chuẩn bị khởi nghĩa ở phía bắc của tỉnh, do đồng chí Lê Đức Anh thành lập, còn việc chỉ huy trực tiếp do người dân tộc tự quản.

Đan xen với phong trào lập Hội Cứu quốc còn có Phong trào nhân dân sắm sửa vũ khí với nhiều biện pháp đem lại kết quả tốt.

Các thợ lò rèn trước đây sản xuất nông cụ, dao, rựa để bán, nay tự nguyện làm việc nghĩa rèn dao găm, kiếm, mã tấu để ủng hộ đội tự vệ. Một trong hàng trăm gương sáng đó là: Anh Ba Lò rèn (Dương Văn Ba) trở thành đội trưởng tự vệ làng Mỹ Phước (quận Bến Cát)(1)

Công nhân Đề pô xe lửa Dĩ An, tuy bị sự giám sát của chủ Pháp và bọn tay sai Nhật, nhưng vẫn tìm cách làm vũ khí đưa ra cơ sở Việt Minh để đồng chí Đào Sơn Tây lập đội tự vệ các làng xung quanh nhà máy.

Công nhân khuân vác kho vũ khí Nhật ở đồn điền cao su Phú Hưng… đã nhiều lần vượt qua mắt địch lấy lựu đạn, súng, đạn chuyển cho tổ chức Việt Minh quận Bến Cát để đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Quỳ)(2) lập đội tự vệ.

Ngoài ra, một số phụ nữ còn lập mưu kế giao thiệp với ngụy quân, binh lính Nhật để mua súng, lựu đạn và kết hợp với thanh niên tự vệ cướp súng địch, điển hình như chị Nguyễn Thị Thời làng Thới Hòa (quận Bến Cát). Đó là các nữ hội viên cứu quốc làm công tác binh vận ở làng Mỹ Phước, Bình Hòa, Chánh Hiệp, Phú Cường và đặc biệt ở Thới Hòa…

Ngoài những hoạt động nêu trên, còn có phong trào lập Đội tự vệ ở những cơ sở Đảng và Hội cứu quốc mạnh. Nổi lên các trọng điểm: Làng Phú Cường (tỉnh lỵ), làng Tân Thới (quận Lái Thiêu), làng Mỹ Phước (quận Bến Cát), làng Định Thành (Sở cao su Dầu Tiếng), làng Uyên Hưng (quận Tân Uyên), Dĩ An.

Trong tháng 5-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thực hiện chủ trương của Xứ  ủy về việc thành lập Thanh niên Tiền phong.

Tại Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Văn Đối trước đây phụ trách Thanh Niên Cứu quốc nay kiêm nhiệm Thanh niên Tiền Phong.

Sau ngày Lễ ra mắt trọng thể ở Sài Gòn, Thanh Niên Tiền phong Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An hoạt động theo hệ thống tổ chức của Thanh niên toàn xứ và theo sự hướng dẫn của cán bộ Việt Minh cơ sở.

Ban quản trị Thanh niên Tiền phong Thủ Dầu Một do nhà giáo Trịnh Kim Ảnh làm thủ lĩnh và một số nhà giáo khác là thành viên. Họ có uy tín lớn trong thanh niên, học sinh và có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong Thanh niên Đoàn Hùng (1943-1944).

Thanh niên Tiền phong Thủ Dầu Một có phụ tá đặc trách quân sự là Huỳnh Kim Trương, nguyên công chức đương thời có quan hệ gắn bó với các hạ sĩ quan cảnh sát, cộng hòa vệ binh giúp Thanh niên luyện tập quân sự. Đồng thời, Huỳnh Kim Trương đang làm chánh thư ký Hội truyền bá quốc ngữ tỉnh huy động các hội viên tích cực tham gia công tác Thanh niên Tiền Phong. Hai tổ chức này đồng tâm hiệp lực với nhau tạo ra phong trào công khai, hợp pháp ở tỉnh lỵ và các quận lỵ.

Chỉ trong một tháng, Thanh niên Tiền phong đưa ra nhiều chương trình hoạt động sáng tạo mang nội dung yêu nước, hình thức phong phú đáp ứng được khát vọng của tuổi trẻ. Với những ca khúc mới, những vở kịch lịch sử biểu diễn trong các buổi dạ hội đã nhanh chóng đi vào lòng người kể cả tầng lớp lớn tuổi. Đặc biệt hơn, Thanh niên Tiền Phong còn được học quân sự thường thức, cứu thương, nghe thời sự chiến tranh, nghe diễn thuyết chính trị do cán bộ Việt Minh hướng dẫn. Những hình thức hoạt động phong phú ấy thu hút mạnh mẽ tầng lớp trẻ tham gia hoạt động.

Nhằm bảo vệ phong trào cách mạng của thanh niên, Tỉnh ủy cử cán bộ tham gia và trực tiếp chỉnh đốn, củng cố Ban quản trị Thanh niên Tiền phong tỉnh, loại trừ được phần tử theo Nhật, giữ được đoàn kết nội bộ, phát huy được tính xung kích của thanh niên.

Ngày 15-7-1945, đoàn đại biểu Thanh niên Tiền phong Thủ Dầu Một mang khí thế mới đi dự lễ tuyên thệ lần thứ nhất tại vườn Ông Thượng ở Sài Gòn cùng với 50.000 đoàn viên Thanh niên Tiền phong các Tỉnh thành. Mọi người đồng thanh với thủ lĩnh Phạm Ngọc Thạch xin thề: Trung thành với Tổ quốc; Trung thành với nhân dân; Giữ gìn phẩm chất cao đẹp. Thanh niên Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An đã hội nhập vào cao trào thanh niên toàn Nam Kỳ, góp phần tăng cường nội lực của toàn dân.

Tháng 5-1945, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy đi dự họp do Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức tại ấp Vĩnh Cửu, Tam Hiệp, tỉnh Biên Hòa để bàn về việc khởi nghĩa giành chính quyền trong thời gian sắp tới. Tiếp đó, tháng 7-1945, đồng chí Hà Huy Giáp đại diện Xứ ủy Nam Kỳ đến gặp đồng chí Văn Công Khai phổ biến chủ trương của Xứ ủy về việc gấp rút xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, vũ trang tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Đến đầu tháng 7-1945, ở Thủ Dầu Một khí thế cách mạng đã phát triển rất sôi nổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc ở các huyện, thị, lực lượng Thanh niên Tiền phong và quần chúng nhân dân đã sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

*

*              *

 

III. KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở THỦ DẦU MỘT

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Và để thống nhất lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, Hội nghị quyết định thành lập “Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc”. Sau đó ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã gửi bản quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.

Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân họp ngày 16-8-1945 cũng tại Tân Trào, đã thông qua “Mười chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”, quyết định quốc kỳ nền đỏ sao vàng, chọn bài “Tiến quân ca” làm quốc ca và bầu ra Ủy Ban dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Tại Đại hội lịch sử này, Đảng ta đã đề ra chủ trương hết sức đúng đắn là lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở địa vị làm chủ nước mình mà tiếp đoàn quân Đồng minh vào giải phóng quân Nhật trên đất Đông Dương

Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân Tân Trào, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước nổi dậy giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến.Toàn thể đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Trong bối cảnh ấy, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm do đồng chí Trần Văn Giàu chủ trì, có đủ đại diện của các Tỉnh ủy và Thành ủy Sài Gòn tham dự. Trong 4 ngày làm việc (từ ngày 17 đến ngày 20-8), Hội nghị quyết định đưa Việt Minh ra công khai, quyết định ngày 23-8 tổ chức khởi nghĩa thí điểm ở Tân An và những công việc cấp bách sau khi giành được chính quyền.

Sau khi kết thúc Hội nghị toàn quốc của Đảng, các đoàn trở lại địa phương cùng cấp ủy lần lượt tiến hành khởi nghĩa ở miền Bắc, miền Trung… Riêng đoàn Nam Kỳ, khi về đến Sài Gòn khởi nghĩa đã nổ ra và ta đã giành được chính quyền.

Tại Sài Gòn, ngày 14-8-1945 nhà cầm quyền Nhật tuy đã nhận được lời công bố chính thức của Nhật Hoàng đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, song Minoda-Thống đốc Nam Kỳ vẫn ra lệnh triệu tập phiên họp bất thường gồm các Đảng phái, tôn giáo phản động, đoàn thể, báo chí Nam Kỳ lập cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất” chúng nêu các khẩu hiệu “Chống Pháp”, “Chống ngoại xâm”, “Bảo vệ trị an” và “Bài trừ phản động”. Mục đích nhằm tạo chỗ dựa cho chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim và đối phó cao trào cách mạng của nhân dân ta đang ập tới.

Cùng ngày, chính phủ Trần Trọng Kim ra tuyên cáo trong đó có đoạn viết: … Chúng ta vẫn hợp tác chặt với nhà đương chức Nhật Bản và chúng tôi không bao giờ quên rằng quân đội Nhật giải phóng cho ta ra ngoài ách ác chế của một ngoại quốc.

Đứng trước thử thách và thời cơ này, đồng bào Nam Kỳ chỉ còn trông cậy vào vai trò của Đảng Cộng sản đứng ra phát động khởi nghĩa mới giải phóng được nước nhà.

Thường vụ Xứ ủy căn cứ  vào chủ trương vạch ra từ trước của Xứ ủy và phương hướng chung đã nêu trong Nghị quyết lần thứ IV của Trung ương Đảng cuối năm 1939 mà độc lập tác chiến, không thể chờ nghị quyết của hội nghị Tân Trào vì đại biểu chưa về.

Tại Thủ Dầu Một, trong những ngày từ 19 đến 23-08-1945, giữa ta với địch đan xen nhau trên các địa bàn quan trọng. Khi đó được tin ta giành chính quyền Hà Nội, Huế, và Long An, càng làm cho cao trào cách mạng ở đây tiếp tục phát triển mạnh hơn và đẩy kẻ thù vào thế cô lập.

Ở tỉnh lỵ và các quận có dấu hiệu cho thấy quân đội Nhật đang hoang mang cao độ: chôn dấu vũ khí, lệnh cấm binh sĩ không cho ra khỏi đồn bót, doanh trại; vài sĩ quan ở thành Phú Hòa tự mổ bụng khi được tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng minh; hầu hết mong muốn sớm được trở về nước, số ít bỏ ngũ trốn ra dân để theo Việt Minh.

Nắm lấy cơ hội này, Tỉnh ủy đã cử cán bộ đến yêu cầu chúng án binh bất động để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chúng. Ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp tế thực phẩm hàng ngày, nếu không sẽ bị nhân dân tẩy chay. Yêu cầu này được quân Nhật thực hiện suốt thời gian sau, tạo thuận lợi cho hoạt động của ta trên các đường phố ở tỉnh và thị trấn trong những ngày khởi nghĩa.

Tổ chức ngụy quyền, ngụy quân tan rã dần, số người còn lại hoạt động chỉ là hình thức. Những người yêu nước tiếp tục hoạt động và cổ động người khác theo Việt Minh. Chỉ có số ít người có nợ máu với dân thì tìm cách trốn, hoặc nằm im không dám công khai chống đối phá hoại ta.

Tỉnh ủy chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên, và cán bộ Cứu quốc đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Kết quả có hàng chục hạ sĩ quan và chỉ huy theo ta. Trong số đó, nhiều người trở thành nòng cốt(1) điều hành binh sĩ làm theo lời kêu gọi của Việt Minh ủng hộ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Tỉnh ủy còn đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền cổ động toàn dân khởi nghĩa trên khu vực Phú Cường, Phú Thọ, Phú Hòa, Chánh Hiệp, trọng điểm là Phú Cường. Bên cạnh số cán bộ đảng viên, còn có đông đảo những cán bộ Cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ, Thanh niên Tiền phong làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền bao gồm: nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh” và những tin chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh, tin thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật… Hình thức hoạt động bao gồm tuyên truyền miệng, tổ phát loa, dạ hội biểu diễn ca kịch lịch sử, ca khúc thanh niên yêu nước, đội múa lân người Việt, người Hoa đi cổ động và hô khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh”… Những hoạt động tích cực sôi nổi này được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành sức mạnh áp đảo việc truyền bá tư tưởng tiêu cực của.

Ở Đềpô xe lửa Dĩ An và các làng chung quanh, chi bộ đảng đứng ra thống nhất chương trình hoạt động của Thanh niên Tiền phong và Thanh niên Cứu quốc. Họ được luyện tập quân sự, nghe thời sự chiến tranh và học chính trị, do đồng chí Đào Sơn Tây và các anh Trần Thắng Minh, Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Duy Nghĩa phụ trách. Có một đội tự vệ nửa vũ trang bảo vệ các cuộc họp của Đoàn thể Cứu quốc ở xóm ấp. Khi nghe tin hai cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế và Long An ngày 23-8-1945, đồng bào và anh chị em thợ rất phấn khởi. Họ tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đánh mõ tre, đánh trống đình Đồng Yên và chuẩn bị khởi nghĩa tại chỗ.

Trên các sở cao su Lộc Ninh, Hớn Quản, Phước Hòa, Dầu Tiếng, chủ sở Pháp cùng bọn cai xếp ác ôn tuy vẫn còn điều hành mọi việc nhưng không dám tỏ thái độ đe dọa hoặc trừng phạt công nhân như trước. Tổ chức Thanh niên Tiền phong có nhiều hình thức hoạt động phong phú, công khai tuyên truyền khởi nghĩa, dán nhiều khẩu hiệu “kiên quyết giành độc lập dân tộc” ở các làng công nhân Dầu Tiếng. Cán bộ công nhân còn giải thích cho anh chị em biết thêm rằng, đây là một trong những hành động nhằm phản đối việc Nhật có ý trao trả Nam Kỳ cho chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Sâm.

Các sở cao su đều có đội tự vệ công nhân luyện tập quân sự, canh gác các cuộc mít tinh, không cho bọn khiêu khích lẻn đến phá hoại, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc và anh chị em công nhân tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa.

Ngày 23-8-1945, khí thế làm chủ của lực lượng Việt Minh đang lên ở các quận lỵ và tỉnh lỵ. Trên các đường phố, chợ chỉ có các đội tự vệ bán vũ trang làm nhiệm vụ duy trì trật tự, không còn bọn cảnh sát ngụy. Hội cứu quốc vận động đồng bào may sắm cờ đỏ sao vàng, làm băng rôn, viết khẩu hiệu và sẵn sàng khởi nghĩa. Ngược lại, bọn thân Nhật phản động cũng đứng ra hô hào may sắm cờ vàng sao đỏ, cho tay sai đi xé khẩu hiệu của ta…

Trước đó, Lương Sơ Khai, tỉnh trưởng và Đỗ Văn Công, quận trưởng Châu Thành, đã lặng lẽ rời khỏi tỉnh lỵ Thủ Dầu Một trở về quê quán. Còn lại nhiều quan chức, viên chức của chính quyền tỉnh, quận, làng hầu hết hướng về Việt Minh. Ông Nguyễn Minh Chương, cử nhân luật từ phó tỉnh trưởng lên tỉnh trưởng thay cho Lương Sơ Khai, cũng không đến tòa hành chính, chỉ ở nhà và sau đó gia nhập vào hàng ngũ Việt Minh(1).

Trong khi đó, toàn bộ quân Nhật đang đồn trú tại đây, đã ở trong tình thế bị nhân dân ta khống chế. Viên quan năm chỉ huy có ra lệnh giới nghiêm nhưng không phải để sẵn sàng đi đàn áp Việt Minh mà chủ yếu là để tự vệ nếu bị tấn công.

Nhìn chung, trong những ngày từ 19 đến 23-8-1945, ở Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An, địch đang trên đà suy sụp, rệu rã. Thế ta mạnh, lực ta đông, làm chủ tình hình ở những vị trí xung yếu trên toàn tỉnh. Lực lượng cách mạng chỉ còn chờ lệnh khởi nghĩa phát ra là sẽ bùng lên một cuộc đấu tranh sôi nổi, giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

Đêm 23-8-1945, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức tại chợ Bưng Cầu thuộc làng Tương Bình Hiệp, do đồng chí Văn Công Khai, bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên như Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và bí thư chi bộ thuộc các quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát…

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng nhằm quán triệt Nghị quyết Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa toàn Nam kỳ. Các đại biểu hoàn toàn nhất trí với Nghị quyết đã đề ra những vấn đề quan trọng như: lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Hội nghị Tỉnh ủy kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào hãy đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh, gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Đây cũng là nguyên tắc cao nhất cuộc khởi nghĩa.

Tỉnh ủy và Ủy Ban khởi nghĩa triển khai các biện pháp thực hiện trong đó có việc đề cử đồng chí Nguyễn Văn Tiết phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thi phụ trách quân sự tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Trung phụ trách công nhân, đồng chí Lê Đức Anh phụ trách các quận Hớn Quản, Bù Đốp và đồng bào dân tộc, các đồng chí Nguyễn Văn Đối, Hồ Văn Nâu phụ trách an ninh trật tự…

Ngày 24-8, lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ như Phú Cường và các làng chung quanh, xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn sáng mai. Những bà mẹ, chị em tích cực chăm lo việc ăn uống đối với anh em bảo vệ.

Đơn vị vũ trang tập trung, các đội tự vệ của Phú Cường, Phú Thọ, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí vào các điểm quan trọng nhằm ngăn chặn sự phá hoại của địch.

Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở các quận trong tỉnh ngày 24-8-1945, đêm 24-8 lực lượng cách mạng ở các làng, các quận rầm rập tiến về thị xã. Tại những địa điểm tập kết, trong khi chờ đợi giờ tấn công vào thị xã, quần chúng khởi nghĩa đã tổ chức một đêm sinh hoạt văn hóa rất đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung, thể hiện tinh thần hào hứng phấn khởi của quần chúng cách mạng, nhất là khí thế sôi nổi của nam nữ thanh niên. Họ hát lên những bài ca cách mạng, yêu nước như Lên đàngTiếng gọi thanh niênBạch Đằng giangChi lăng, v.v… diễn kịch như vở Đêm Lam Sơn, v.v…

Tại những địa điểm tập kết này, những người tham gia khởi nghĩa còn tổ chức mài sắc gươm đao, sắm thêm gậy tầm vông, luyện tập võ nghệ … Trong khi đó, Ban quân sự tỉnh trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ bảo vệ quần chúng, sẵn sàng ngăn chặn sự đánh phá của địch.

Lúc này, trong nội ô thị xã, nhân dân đã treo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, dán khẩu hiệu ở khắp các đường phố, chợ, v.v… Có thể nói lúc này các tầng lớp xã hội đã chuyển mình, tinh thần quyết tâm giành độc lập đang dâng cao hơn bao giờ hết.

Từ giữa đêm trở đi, quần chúng tham gia khởi nghĩa của các quận Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Châu Thành đi theo đội ngũ từng làng, lần lượt tiến vào thị xã.

Đến rạng sáng ngày 25-8, đội ngũ các Hội Cứu quốc và đồng bào đã đứng chật trên 20 đường phố lớn, nhỏ của thị xã bao gồm 2 vạn người của hơn 10 làng quận Châu Thành, 3 vạn người các quận Lái Thiêu, Bến Cát, cùng hơn 500 cán bộ chiến sĩ các đơn vị bán vũ trang.

Đến 7 giờ, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trọng thể trước tòa thị chính quận Châu Thành (xã Phú Cường). Sau khi làm lễ chào cờ, đồng chí Văn Công Khai – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.

Sau đó, đại biểu Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh lên phát biểu ý kiến, kêu gọi giới mình cùng toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện chương trình của Việt Minh trong đó có vấn đề nam nữ bình đẳng.

Trong cuộc mít tinh, quần chúng khởi nghĩa hô vang các khẩu hiệu:

– “Chính quyền về tay Việt Minh”

– “Việt Nam độc lập muôn năm”

– “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”

Sau cuộc mít tinh, quần chúng khởi nghĩa tiến hành cuộc diễn hành suốt mấy giờ liền trên các đường phố. Hàng vạn người cầm trong tay cờ, gậy tầm vông vạt nhọn, có người cầm súng hô vang các khẩu hiệu, xen lẫn với lời ca tiếng hát sôi sục của nam nữ thanh niên.

Kết thúc cuộc diễn hành, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban khởi nghĩa, các đoàn phân công đi tiếp thu các cơ quan hành chính, tòa án, cảnh sát, đồn cộng hòa vệ binh, khám đường (trại giam), kho bạc, các nhà máy điện, nước, bưu điện…

Như vậy, trong ngày 25-8-1945, nhân dân Thủ Dầu Một đã giành chính quyền thắng lợi cùng ngày với thành phố Sài Gòn và 15 tỉnh bạn ở Nam Kỳ.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nước ta vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp, trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành nước độc lập và dân chủ. Với những kết quả như trên, cách mạng Tháng Tám đã mở ra một chân trời mới cho nhân dân ta tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Đánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(1)

Cách mạng tháng Tám ở Thủ Dầu Một là một bộ phận của cuộc Tổng khởi nghĩa do Đảng ta lãnh đạo. Nó không những là kết quả trực tiếp của cuộc vận động giải phóng dân tộc thời kỳ 1939-1945 mà còn là kết quả của quá trình vận động cách mạng từ năm 1930, khi các tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời. Trải qua 15 năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, bất chấp sự khủng bố, tàn sát của kẻ thù, những người cộng sản Thủ Dầu Một đã kiên trì bám chắc trong quần chúng, kiên trì vận động và lãnh đạo quần chúng công nhân, nông dân và đồng bào dân tộc nổi dậy đấu tranh trong các cao trào 1930-1931, 1936-1939 và trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Những cuộc đấu tranh đó thực sự là những cuộc diễn tập của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Qua các cao trào đấu tranh đó, những người cộng sản Thủ Dầu Một đã tích lũy được những kinh nghiệm vô cùng phong phú về nhiều mặt, nhất là về vận động và phát động quần chúng.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã mạnh dạn tổ chức quần chúng công khai hoạt động hợp pháp, lấy Thanh niên Tiền phong làm lực lượng xung kích bên cạnh lực lượng chủ chốt là Hội Cứu quốc của công nhân và nông dân và bằng cách đó đã nắm được quần chúng về phía mình, không để rơi vào tay bọn phản động, đồng thời tránh được tư tưởng hữu khuynh với Nhật.

Phong trào quần chúng khởi nghĩa trong những ngày Tháng Tám ở Thủ Dầu Một  rất mạnh. Tổ chức Đảng đã nắm được cả lớp người chậm tiến, hoàn toàn cô lập kẻ thù, mọi tầng lớp đồng bào đều đứng hẳn về Việt Minh, nên bọn phản động không thể nào dám đứng ra tổ chức giành giật lại chính quyền khi đã về tay Việt Minh, như đã diễn ra ở vài tỉnh khác ở Nam kỳ.

Sở dĩ có được tình hình đó là do cán bộ, đảng viên ở Thủ Dầu Một trong công tác vận động quần chúng, đã từng bước nhận thức và vận dụng có kết quả nguyên lý không được hô hào chung chung, mà phải giáo dục và đưa họ ra đấu tranh giành quyền lợi vật chất và tinh thần, đồng thời làm cho họ nhận thức tự mình giải phóng lấy, không phải chờ đợi người khác, xây dựng cho họ có niềm tin vào cách mạng, gắn bó chặt chẽ với sự lãnh đạo của Đảng ở ngay cơ sở.

Một nguyên nhân thành công nữa của Đảng bộ Thủ Dầu Một trong quá trình vận động quần chúng là những người cộng sản ở đây không những đã chiến thắng kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc, mà họ còn đấu tranh thắng lợi với những tư tưởng phi vô sản để giữ được nội bộ đoàn kết chặt chẽ, không bị chia rẽ bởi “tả khuynh” hoặc “hữu khuynh”. Nhờ vậy, trong tổ chức quần chúng cũng không có “Việt Minh cũ” hay “Việt Minh mới”, chỉ có Mặt trận Việt Minh. Toàn Đảng bộ tập trung mũi nhọn vào một hướng, tất cả đảng viên, quần chúng theo sự chỉ đạo thống nhất của Ủy Ban khởi nghĩa, tiến hành giành chính quyền một lần ở tỉnh, cũng như ở các quận và các làng, tránh được hiện tượng phải làm lại lần thứ hai như ở một vài nơi khác.

Một điều quan trọng không thể thiếu trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tại Thủ Dầu Một là kết quả của quá trình xây dựng đội ngũ, cán bộ đảng viên, xây dựng Tỉnh Đảng bộ làm lực lượng lãnh đạo cách mạng của nhân dân trong tỉnh. Từ chỗ chỉ có các tổ chức cộng sản nhỏ bé, trải qua 15 năm đấu tranh trong sự khủng bố, tàn sát vô cùng ác liệt của kẻ thù, với những bước thăng trầm, Đảng bộ mỗi ngày một lớn mạnh và khi thời cơ đến đã kịp thời đứng lên lãnh đạo quần chúng nổi dậy đồng loạt làm nên sự nghiệp vẻ vang giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần tô thắm thêm những trang lịch sử hào hùng của toàn dân tộc.

Cũng như các Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Nam Kỳ, cuộc vận động giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một đã trải qua nhiều thời kỳ thăn trầm. Sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1940 là hai năm thoái trào (1941-1942); phải thêm hơn hai năm nữa mới khôi phục và từng bước đẩy mạnh các mặt công tác Đảng, công tác quần chúng (1943-1945); mất liên lạc với Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong nhiều năm liền (1941-1945); Xứ ủy Nam Kỳ đã ba lần lập đi lập lại. Nhưng những khó khăn do kẻ thù gây ra, không khuất phục được ý chí tiến công của Đảng bộ Nam Kỳ, trong đó có Đảng bộ Thủ Dầu Một.

Từ sau sự kiện ngày 9-3-1945, khi cả nước đi vào cao trào kháng Nhật, Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một đã có bước phát triển nhảy vọt trên nhiều mặt hoạt động mà đỉnh cao nhất là đã giành được chính quyền một cách mau chóng và ít tổn thất nhất. Nắm đúng thời cơ kẻ thù hoang mang tan rã và bằng một cuộc biểu tình chính trị có võ trang hỗ trợ, ta đã giành được chính quyền một cách hết sức nhanh gọn.

Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh, cũng có những hạn chế và thiếu sót.

Hạn chế rõ nhất là thiếu cán bộ chỉ huy để đáp ứng công tác huấn luyện quân sự phổ thông cho Thanh niên Tiền phong, đội tự vệ ở các trọng điểm như thị xã, thị trấn.

Một thiếu sót nữa là Đảng bộ chưa xem trọng việc trừng trị những tên việt gian có nợ máu đang hoạt động ở các địa bàn khởi nghĩa trong tỉnh… Khuyết điểm này kéo dài cho đến lúc đã giành được chính quyền mà vẫn chưa khắc phục, nên ít nhiều có ảnh hưởng không tốt đến công tác an ninh. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược, chính bọn ác ôn đó đã lợi dụng cơ hội tiến hành phá hoại kháng chiến một cách điêm cuồng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu ta đề cao tinh thần cảnh giác ngay từ đầu, sử dụng ngay những biện pháp kiên quyết như bắt giam hoặc đưa ra xét tội thì sẽ ít hậu quả xảy ra, tăng thêm thuận lợi trong công tác quần chúng.

Khuyết điểm cuối cùng, là thiếu mạnh dạn tiến hành công tác phát triển đảng viên mới ở những nơi có chi bộ, có nhóm đảng viên và nhất là có phong trào mạnh trong quần chúng cơ bản như ở các làng thuộc quận Lái Thiêu, thị xã Thủ Dầu Một, Dĩ An, Dầu Tiếng, Lộc Ninh… Cấp ủy chưa quan tâm sâu sắc đến việc tổng kết đã qua để rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến việc chuẩn bị lực lượng cách mạnh cho giai đoạn cách mạng sắp tới.

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đã mở ra trang sử mới trong lịch sử của nhân dân trong tỉnh, đồng thời đã tạo ra những tiền đề quan trọng để nhân dân trong tỉnh bước đầu vào giai đoạn cách mạng tiếp theo, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

*

*              *

 

 

 


(1) Đồng chí Nguyễn Văn Tiết bị địch bắt và đày đi Côn Đảo từ năm 1930-1936.

(1) Đồng chí Văn Công Khai, quê quán làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) trước đây đã làm thông ngôn ở Dầu Tiếng, sau đó tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1927.

 

(1) Trần Văn Giàu: giai cấp công nhân Việt Nam, tập I, trang 174.

(1) Số người tham gia qua tin tức của các báo: Báo Việt Nam đưa tin có 200 người, báo Công Luận 400 người, Báo “Tân Văn” 500 người, Báo Đuốc Nhà Namáng chừng trên 1000 người. Xem Nguyễn Thành: Sđd, tr.33.

(2) Trụ sở đặt tại phố Hương Hào Tỵ, số 4 đường Cammandant Henri, gần vườn bông và kho bạc Thủ Dầu Một (nay là đường Phạm Ngũ Lão).

(1) Trần Văn Giàu: Giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tập II (1936-1939) tr.85.

(2) Phan Văn Hùm (1902-1945) quê làng An Thạnh, quận Lái Thiêu, đỗ bằng cử nhân văn chương và triết học tại trường đại học Sorbonne. Năm 1933 về Sài gòn hoạt động trong nhóm Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường

(3) Báo Việt Nam, số 299 ngày 22-09-1936.

(1) Chi bộ Dầu Tiếng lúc này do Tỉnh ủy Gia Định chỉ đạo. Hai đồng chí Nguyễn Văn Tiết và Văn Công Khai đi lại hoạt động và trực tiếp chỉ đạo phong trào ở Dầu Tiếng.

(1) Tháng 05-1931, Thống đốc Nam Kỳ đã cấp giấy phép cho lập Hội Tương tế ở Thủ Dầu Một với mục đích công khai: giữ gìn mối quan hệ anh em tốt đẹp của Hội viên. Giúp đỡ các hội viên lúc bệnh hoạn, góp phần vào việc ma chay trong gia đình. Bảo dưỡng cho trẻ em mồ côi trong hội viên (xem Địa chí Sông Bé, Nxb Tổng hợp Sông Bé, năm 1998,  tr.470).

(1) Đến cuối năm 1937,  Chi bộ Dĩ An lại tái lập, đồng chí Đoàn Công Hớn làm Bí thư, đồng chí Dương Văn Sửu làm Phó Bí thư và các đảng viên từ cơ sở khác đều đến.

(1) Nhóm này gồm có Hồ Hữu Tường, Lê Văn Trương, Phan Văn Hùm.

(1) Báo Dân chúng (1938-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sáng lập và chỉ đạo được in ở Sài Gòn gồm 90 số. Có lúc phát hành từ 500 bản đến 15.000 bản/ngày đi khắp nơi trong nước. Pháp cho bọn tay sai đến khám xét tịch thu Báo, phương tiện in ấn và bắt giam các đồng chí biên tập vào tháng 03-1939. Do phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào, nên địch phải trả tự do cho cán bộ làm báo Dân chúng. Tờ báo này tiếp tục phát hành đến ngày 30-8-1939 là số cuối cùng (số đầu tiên phát hành ngày 22-7-1938).

(1) Miếu Tử Trận do Pháp xây dựng năm 1922 trên ấp Chánh, làng Chánh Hiệp, nay là phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Mục đích ghi nhận những thanh niên tỉnh Thủ Dầu Một đi lính đã chết trận ở nước Đức hồi chiến tranh 1914-1918.

(1) Ngày 17-01-1940  các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn và một số đồng chí khác bị bắt ngay tại trụ sở của Trung ương Đảng ở hẻm đường Nguyễn Tấn Khiêm, do có kẻ phản bội chỉ điểm..

(1) Người đó là Nguyễn Văn Theo, thượng sĩ nhất. Sau cách mạng Tháng Tám 1945 là bộ đội với tên mới là Sơn Xuyên và đã từng làm Hiệu trưởng Ttrường Quân chính Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7 (1940 – 1945), tr.131 – 132

(1) Đu-cô-roa là Tổng trưởng thể dục thể thao và thanh niên Đông Dương.

(1) Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật, bài đăng trên báo Cờ giải phóng số 3 ngày 15-12-1944, xem Ngọn cờ giải phóng, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1955, tr. 21.

(2) Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ bài đăng trên báo Cờ giải phóng, số 7 ngày 28-9-1944, xem Ngọn cờ giải phóng, Sđd, tr. 46.

(1) Đồng chí Dương Văn Ba liên tục chến đấu trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tới quân hàm Đại tá.

(2) Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Quỳ) liên tục chiến đấu đến năm 1952 với chức vụ Trung đoàn phó Quân đội nhân dân Việt Nam.

(1) Những người nống cốt: thầy đội Bùi Khánh Ngươn sau này tình nguyện vào Vệ quốc Đoàn và liên tục phục vụ trong Quân độn nhân dân Việt Nam với cấp bậc Đại tá. Thầy Cai Đinh Văn Cần, sau tháng 08-1945 là cán bộ Vệ quốc Đoàn đã hy sinh và được một đơn vị mang tên “Tiểu đoàn Đinh  Văn Cần”. Thầy cai Nguyễn Văn Sáng, sau tháng 08-1945 là cán bộ của đại đội 901 liên tục chiến đấu suốt 30 năm trong quân đội.

(1) Ông Nguyễn Minh Chương, cử nhân luật, nguyên là phó tỉnh trưởng. Sau khi Lương Sơ Khai- tỉnh trưởng Thủ Dầu Một chạy trốn, Nhật cử ông Chương lên thay làm tỉnh trưởng. Trong những ngày khởi  nghĩa, ông Chương đã từ bỏ chức vụ không vào Tòa hành chính. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Chương tình nguyện vào tổ chức Việt Minh, được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh và liên tục hoạt động cách mạng cho đến năm 1987.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.159