Nguồn gốc của trung thu

Hội_trăng_rằm

Nguồn gốc trung thuKhi cảm nhận được thu đang về, hình ảnh những chiếc bánh nướng bánh dẻo thơm ngon, những chiếc đèn lồng, múa lân, chú Cuội lại hiện lên trong tâm trí mỗi nguời.

Những ngày này, cái nắng gay gắt của mùa hè đang dần được thay thế bởi tiết trời dịu mát báo hiệu một mùa thu nữa sắp về. Mỗi khi cảm nhận được thu đang về quanh ta, hình ảnh những chiếc bánh nướng bánh dẻo thơm ngon, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, những lúc rước đèn, múa lân, cùng chú Cuội vui đùa có lẽ thường hiện lên trong tâm trí mỗi nguời. Hàng năm vào dịp này, người thân bạn bè lại quây quần bên nhau cùng nhâm nhi ly trà cùng miếng bánh trung thu và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Nhưng, đã có bao giờ bạn tự hỏi, tết trung thu có từ bao giờ chưa?

Một chuyện kể khá phổ biến nói rằng tết trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thời Đường, vua Đường khi đi dạo trong vườn đêm rằm tháng tám đã gặp một vị tiên và vua được vị tiên đó mời lên cung trăng chơi, lúc đó trăng rất tròn và sáng.

Ở trên cung trăng, nhà vua được thưởng thức tiên cảnh cùng những điệu vũ thướt tha của các nàng tiên. Vua Đường sau khi thăm cung trăng trở về vẫn còn lưu luyến cảnh đẹp diệu kỳ nơi đó nên ra lệnh cho nhân dân cả nước tổ chức bày tiệc và rước đèn vào ngày rằm tháng tám hàng năm. Dần dần việc bày tiệc và rước đèn ngày 15 tháng 8 hàng năm trở thành phong tục trong dân gian.

Nhưng cũng có nhiều người lại nghĩ tết trung thu vốn dĩ có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước, là nền văn minh có khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng nước ta. Cứ mỗi khi đến thời điểm này trong năm, khi mùa vụ đã kết thúc và thời tiết trở nên dịu mát hơn, nhất là vào buổi tối, người nông dân có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, cũng nhân dịp này người trong làng mới tụ tập lại với nhau vừa là để “thưởng trăng sáng”, vừa là để trò chuyện. Từ đó người dân hình thành nên thói quen tề tựu với nhau mỗi vào khoảng giữa thu và lâu dần thói quen đó đã trở thành phong tục truyền thống của dân tộc. Sau này, khi người Trung Quốc sang Việt Nam mới biết đến phong tục đó và truyền về nước của họ, rồi lan sang các nước Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ở Việt Nam ngày nay, người dân thường bày mâm cỗ cúng trên bàn thờ và mâm cỗ cúng trăng (cúng trời đất). Cả hai lần cúng đều sử dụng những loại hoa, loại quả, bánh nướng bánh dẻo tương tự như nhau, riêng cỗ cúng trong nhà có thêm đĩa xôi. Khi trăng lên cao trẻ em sẽ vừa múa hát vừa phá cỗ trông trăng, ở nhiều nơi còn có nhân dân còn tổ chức múa lân, rước đèn nhộn nhịp. Phá cỗ trung thu không chỉ là khi trẻ em được vui chơi và thưởng thức những món ăn mà chỉ riêng dịp này mới có mà còn ẩn chứa trong đó ý nghĩa sâu sắc hơn: đó là mong ước được tiếp thêm sức mạnh của trời đất, để có thể chống lại thiên tai, là hy vọng về cuộc sống thuận lợi hạnh phúc của người dân. Đây chính là nét rất riêng trong tết trung thu của người Việt Nam.

Phương Nga