Bài tuyên truyền tháng 4 Chào mừng ngày Giải Phóng Miền Nam thống nhất đất nước

Ý nghĩa: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong buổi tuyên truyền sách hôm nay thư viện sẽ giới thiệu cho các thầy cô và các em quyển sách  Lịch Sử Đảng Bộ Huyện Phú Giáo do NXB chính trị Quốc Gia phát hành năm 2010 sách có 386 trang có 5 chương gồm quá trinh hình thành và phát triển Huyện Phú Giáo thân yêu của chúng ta từ năm 1930-2005.

1

 

Để chào mừng ngày Giải Phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang trên chính quê hương mà chúng ta đang sinh sống – quê hương Phú Giáo qua trận đánh Phước Thành các em nhé

Đúng 23 giờ đêm ngày 17/9/1961, tiếng nổ long trời của quả bộc phá 12 kg làm sập một góc nhà Dinh tỉnh trưởng, phát lệnh tiến công. Các mũi tiến công ào ạt xông lên, đánh chiếm các mục tiêu. Ngay trong 10 phút đầu, ta tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng của địch và chiếm lĩnh dinh tỉnh trưởng. Tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn bị bắn chết. Tên tỉnh phó và vợ tên Mẫn cùng một số công chức hành chánh bị bắt. Hoàn thành nhanh gọn mục tiêu chính, các chiến sĩ đại đội 59 chia thành ba mũi: một mũi đánh vào khu biệt động quân chi viện cho đại đội 80, một mũi phối hợp với đại đội 260 đánh vào khu đóng quân của đại đội bảo an, chi đội thiết giáp và kho xăng dầu, một mũi đánh vào trại giam giải thoát 300 tù nhân chính trị.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiến công ở các hướng, các mũi tập trung lực lượng tiêu diệt hoàn toàn bọn biệt động quân. Đến 1 giờ 30 phút ngày 18 tháng 9 năm 1961 trận đánh kết thúc thắng lợi. Ba giờ sau, lực lượng chiến thắng ở Phước Thành cùng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ bị giam giữ được giải thoát rút lui về căn cứ an toàn. Kết quả trận đánh, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn biệt động quân, một đại đội bảo an một chi đội thiết giáp, một đại đội cảnh sát và một tổng đoàn dân vệ, 300 địch bị diệt, bị bắt tại chỗ. Ta phá hỏng 3 đại bác 105 ly, 6 xe quân sự và 5 xe thiết giáp thu hơn 600 súng các loại và nhiều đồ quân sự, giải thoát 300 tù nhân chính trị. Chiến thắng Phước Thành vang dội đã làm nức lòng quân và dân ta. Nếu trận Tua Hai ở Tây Ninh ngày 24/01/1960 là trận tấn công đầu tiên của quân giải phóng vào một căn cứ quân sự cấp trung đoàn của địch từ khi nhân dân ta vùng lên trong phong trào đồng khởi thì Chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa vô cùng to lớn khi lần đầu tiên quân, dân miền Nam ta tấn công giải phóng một Tỉnh lỵ của địch, đập tan bộ máy kềm kẹp của địch.

62 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Phước Thành đã đi vào lịch sử, quê hương đất nước như một bản anh hùng ca bất diệt, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Phước Thành năm xưa và của các thế hệ hôm nay. Chiến thắng ấy đã xoá sổ một tỉnh lỵ đầu tiên của chính quyền Sài Gòn trên bản đồ hành chính, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của chủ nghĩa thực dân mới ở miền nam Việt Nam, tạo tiền đề cho những chiến công tiếp nối chiến công của cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam ngày 30/4/1975 và thống nhất đất nước.

Nói đến Phú Giáo nhiều người sẽ nhớ tới cây “cầu gãy” (cầu sông Bé). Cầu sông Bé nối liền hai xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa của huyện Phú Giáo. Trong chiến tranh, đây là con đường huyết mạch giao thông của chính quyền Sài Gòn. Cầu sông Bé được người Pháp xây dựng năm 1925. Suốt những năm tháng trước 1975, cầu sông Bé án ngữ con đường quân sự huyết mạch từ tỉnh Phước Long (cũ), thị trấn Đồng Xoài (nay là tỉnh Bình Phước) về Sài Gòn. Nơi đây thường xảy ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta với quân đội Việt Nam cộng hòa.

Năm 1975, nhằm chặn đường tiến quân của lực lượng giải phóng, phía quân đội Sài Gòn đã đánh sập nhịp giữa của cầu sông Bé. Từ đó, khu vực cầu sông Bé có thêm một “đặc sản” là “cầu… gãy nhịp”. Kể từ năm 1995 cầu Sông Bé được công nhận là di tích lịch sử.

Bình Dương đã xây dựng cây cầu mang tên Phước Hòa để người dân thuận tiện đi lại. Dù vậy, cây cầu gãy sông Bé vẫn được lưu giữ, không tháo dỡ, trở thành điểm du lịch thu hút du khách thập phương.

Một địa điểm khi nhắc đến Phú Giáo đó là Nhà truyền thống, Đây là nơi giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào ngày 9-7-2004.

Còn rất nhiều, rất nhiều điều thú vị về mảnh đất quê Hương Phú Giáo nơi mà chúng ta đang sinh sống, các em có thể tìm hiểu qua quyển sách Lịch Sử Đảng Bộ  Huyện Phú Giáo, hiện sách này đang có mặt tại thư viện TH Phước Vĩnh A. Buổi tuyên truyền của chúng ta là kết thúc hẹn gắp lại các em trong buổi tuyên truyền lần sau.

CBTV: Lê Thị Như Hoa